Lý do Mỹ xét nghiệm COVID-19 chậm hơn Hàn Quốc

Mỹ ghi nhận ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên cùng thời điểm Hàn Quốc nhưng đang gặp khó khăn trong đáp ứng nhu cầu xét nghiệm. Các chuyên gia đánh giá năng lực xét nghiệm của Mỹ đang chậm hơn so với Hàn Quốc.

Chú thích ảnh
Một địa điểm xét nghiệm COVID-19 bên ngoài bệnh viện Yangji ở Seoul. Ảnh: AFP 

Vào cuối tháng 1, Hàn Quốc huy động đại diện từ hơn 20 công ty trong lĩnh vực y tế tới một phòng họp bên trong nhà ga đông đúc ở Seoul. Một trong những quan chức chịu trách nhiệm về bệnh truyền nhiễm đã đưa ra thông điệp khẩn cấp: Hàn Quốc cần phương thức xét nghiệm hiệu quả để phát hiện virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Ông này cũng cam kết thông qua nhanh chóng quy định dành cho các công ty.

Mặc dù ở thời điểm đó, Hàn Quốc mới chỉ ghi nhận 4 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 nhưng chuyên gia Lee Sang-won tại Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC) nhận định: “Chúng tôi cho rằng COVID-19 có thể trở thành đại dịch”.

Chỉ một tuần sau cuộc họp ngày 27/1, CDC đã cấp phép cho bộ xét nghiệm của một công ty. Lập tức, những công ty khác cũng nhanh chóng theo chân. Đến cuối tháng 2, Hàn Quốc được nhắc nhiều trên truyền thông thế giới nhờ khả năng xét nghiệm cho hàng nghìn người mỗi ngày.

Trong vòng 7 tuần sau cuộc họp tại nhà ga tàu hỏa, Hàn Quốc đã xét nghiệm cho trên 290.000 người và ghi nhận 8.000 ca nhiễm virus.

Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết động thái nhanh chóng của Hàn Quốc trái ngược với Mỹ.

Hàn Quốc có thể thực hiện xét nghiệm cho 15.000 người/ngày và tiến hành 3.692 xét nghiệm/triệu người. Con số này tại Mỹ là 5 xét nghiệm/triệu người.

Phía Mỹ ngày 17/3 cho biết các phòng thí nghiệm công và tư tại Mỹ đã thực hiện 60.000 xét nghiệm.
Với dân số 330 triệu người và thiết bị xét nghiệm còn thiếu hụt, các quan chức Mỹ đã không thể ước lượng được chính xác số lượng người nhiễm virus và nơi họ tập trung – điều quan trọng đối với nỗ lực kiềm chế dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang tại New York (Mỹ). Ảnh: Reuters

Cố vấn cho Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ - ông Roger Klein - nhận định: “Bạn không thể chiến đấu với thứ mình không nhìn thấy”.

Các chuyên gia đánh giá rằng điều khiến Mỹ chậm so với Hàn Quốc trong xét nghiệm dịch bệnh là  sự khác nhau về hệ thống y tế công cộng.

Theo các chuyên gia, thay vì huy động lực lượng tư nhân tham gia phát triển bộ xét nghiệm từ sớm như Hàn Quốc, các quan chức Mỹ lại phụ thuộc vào bộ xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của nước này.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ban đầu chỉ chấp thuận những bộ xét nghiệm thuộc CDC nhưng đến 29/2 điều này đã thay đổi. Các chuyên gia nhận định rằng việc thiếu bộ xét nghiệm khiến CDC trong nhiều tuần chỉ yêu cầu xét nghiệm với những cá nhân từng đến Trung Quốc, một số nước có ca nhiễm khác hoặc có tiếp xúc với người mắc COVID-19. Điều này đã gây sơ hở khiến SARS-CoV-2 lây lan tại Mỹ.

Hàn Quốc chấp nhận rủi ro và tung ra các bộ xét nghiệm mới, còn FDA lại muốn đảm bảo rằng các bộ xét nghiệm phải có độ chính xác cao khi sử dụng.

Tuy nhiên, FDA đã bắt đầu thay đổi và hơn 35 trường đại học, bệnh viện cùng công ty đã tạo ra bộ xét nghiệm riêng dưới sự giám sát của cơ quan này.

Theo CDC, tính đến ngày 19/3, Mỹ có 7.038 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 và 97 người tử vong.

Hà Linh/Báo Tin tức
Nga ghi nhận ca tử vong đầu tiên do dịch COVID-19
Nga ghi nhận ca tử vong đầu tiên do dịch COVID-19

Ngày 19/3, Nga thông báo ca tử vong đầu tiên do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN