Khi tình hình giao tranh ở Ukraine vẫn tiếp diễn, EC đã kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) dự trữ thuốc i-ốt, một số thuốc được chỉ định khác và quần áo bảo hộ hạt nhân. Theo tiết lộ của một người phát ngôn với tờ Financial Times hôm 21/3, cơ quan này cũng đang gấp rút chuẩn bị để đối phó với hậu quả của một cuộc tấn công hóa học hoặc sinh học tiềm tàng.
Chính phủ Nga đã đặt kho vũ khí hạt nhân của quốc gia này trong tình trạng báo động cao vài ngày sau khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2.
Moskva giải thích hành động trên là nhằm chống lại sự gây hấn của khối quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở sát biên giới nước này, cùng với những lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề của phương Tây.
Vào đầu tháng 3, tại nhà máy điện hạt nhân Zaporozhskaya của Ukraine đã xảy ra một vụ hỏa hoạn và ngọn lửa nhanh chóng được dập tắt. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cho biết sự việc không gây bất cứ tác động nghiêm trọng nào đến tình trạng an toàn tại nhà máy.
Vài ngày sau, Moskva thông báo đã ngăn chặn nỗ lực cắt điện của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, nơi xảy ra thảm họa hạt nhân kinh hoàng nhất thế giới năm 1986.
Kênh truyền hình RT đưa tin hai vụ việc trên đã làm dấy lên tâm lý lo ngại ở châu Âu. Nhu cầu về thuốc kali-iốt đã tăng vọt ở Nga, EU và thậm chí cả Mỹ. Đây là loại thuốc giúp giảm tác động nguy hiểm của bức xạ đối với cơ thể con người. Đầu tháng 3, các hiệu thuốc ở Bỉ, Bulgaria, Séc và nhiều nơi khác đã phải treo biển báo hết loại thuốc này.
Các hoạt động chuẩn bị của EU đối với một sự cố hạt nhân tiềm tàng đang được xử lý bởi Cơ quan Ứng phó và Chuẩn bị Khẩn cấp Y tế (HERA). Cơ quan này được thành lập vào tháng 9 năm ngoái sau khi EU mất cảnh giác khiến đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ trong khu vực. Tuy nhiên, giới lập pháp châu Âu nhấn mạnh rằng HERA cần phải làm việc nhanh chóng hơn nữa để theo kịp tốc độ của các sự kiện ở Ukraine.