Tuyên bố của UNICEF nêu rõ có 751 phụ nữ và 255 trẻ em trong số hàng nghìn người di cư và tị nạn bị bắt trong các vụ bắt giữ hàng loạt gần đây ở Tripoli, trong đó 5 trẻ nhỏ không có người đi kèm và có ít nhất 30 trẻ sơ sinh. UNICEF cảnh báo sự an toàn của những phụ nữ và trẻ em này đang bị đe dọa.
Đại diện đặc biệt của UNICEF tại Libya, bà Cristina Brugiolo, cho biết trẻ em bị giam giữ "tùy tiện" trong những điều kiện tồi tàn tại các trung tâm giam giữ. UNICEF kêu gọi nhà chức trách Libya "bảo vệ trẻ em và không để các em bị tách khỏi cha mẹ, người giám hộ hoặc gia đình".
UNICEF cho biết thêm trung tâm giam giữ Al-Mabani - cơ sở giam giữ lớn nhất tại Libya - hiện giam giữ hơn 5.000 người - gấp 4 lần so với thiết kế ban đầu, trong đó có khoảng 100 trẻ em và 300 phụ nữ.
Trong thời gian gần đây, nhà chức trách Libya đã tiến hành cuộc truy quét người di cư bất hợp pháp tại Tripoli. Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) cho biết trong tuần qua, 6 người di cư đã thiệt mạng sau khi bị bắn tại cơ sở giam giữ Al-Mabani ở thủ đô Tripoli của Libya, trong khi ít nhất 24 người khác bị thương. Ngoài ra, các quan chức Libya cho biết khoảng 2.000 người di cư đã bỏ trốn trong tình trạng hỗn loạn. Trong khi đó, hàng trăm người di cư và người xin tị nạn dẫn theo con nhỏ tập trung trước văn phòng của cơ quan tị nạn LHQ (UNHCR) gần Tripoli trong vài ngày trở lại đây. Ngày 12/10, UNHCR đã bày tỏ "vô cùng quan ngại" về tình hình người di cư và người xin tị nạn ở Libya.
Libya là điểm xuất phát chính của hàng chục nghìn người di cư bất hợp pháp, chủ yếu từ châu Phi Nam Sahara, tìm đường đến châu Âu.
* Cùng ngày, tại Ai Cập, Tổng thống Abdel-Fattah El-Sisi khẳng định sẽ không cho phép người di cư bất hợp pháp biến quốc gia Bắc Phi này trở thành điểm trung chuyển để tìm đến châu Âu, đồng thời nhấn mạnh Ai Cập đã tiếp nhận gần 6 triệu người tị nạn từ châu Phi và các nước bất ổn khác.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh Nhóm Visegrad (V4) tại thủ đô Budapest của Hungary, Tổng thống El-Sisi kêu gọi đạt được một cách tiếp cận khác để xử lý vấn đề nhập cư bất hợp pháp, đồng thời đề xuất sự đóng góp của châu Âu nhằm cải thiện môi trường chính trị, kinh tế và văn hóa của các nước trong khu vực.
Nhóm Visegrad, bao gồm Ba Lan, Slovakia, Hungary và CH Séc, được thành lập vào năm 1991 với mục tiêu thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên trên một số lĩnh vực có lợi ích chung trong quá trình hội nhập toàn châu Âu. Ai Cập là quốc gia Trung Đông đầu tiên và là nước thứ 3 không phải là thành viên được mời tham gia Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Visegrad, sau Nhật Bản và Đức. Hội nghị thượng đỉnh năm nay thảo luận một loạt chủ đề, trong đó có vai trò của Ai Cập ở Trung Đông, hợp tác chống khủng bố, nhập cư bất hợp pháp và an ninh năng lượng.