Thầy giáo Paty đã bị một đối tượng Hồi giáo cực đoan sát hại (bằng hình thức chặt đầu) hôm 16/10. Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron đã gọi đây là "vụ tấn công của các phần tử khủng bố Hồi giáo", đồng thời tăng cường hành động chống chủ nghĩa khủng bố và các phần tử Hồi giáo cực đoan. Nhà lãnh đạo Pháp cũng tuyên bố không “hủy bỏ những bức tranh biếm họa” nhà tiên tri Mohammed và không bao giờ nhượng bộ các phần tử Hồi giáo cực đoan cũng như không chấp nhận các phát ngôn thù địch.
Tuy nhiên, quan điểm trên của Tổng thống Pháp về đạo Hồi đã vấp phải sự phản đối của người dân nhiều nước, như Iran, Bangladesh, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ... Nhiều người kêu gọi tẩy chay hàng hóa Pháp tại các siêu thị ở Qatar, Kuwait, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ không nên can thiệp vào vấn đề nội bộ của Pháp, sau khi nước này triệu hồi các phái đoàn tại Paris nhằm phản đối quan điểm trên của Tổng thống Macron và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyp Erdogan kêu gọi tẩy chay hàng hóa Pháp.
Bộ trưởng Darmanin khẳng định: "Chúng tôi thực sự sốc khi các nước can thiệp vào những gì đang diễn ra tại Pháp", ám chỉ Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan, nơi quốc hội đã thông qua các nghị quyết khẩn cấp cho phép chính phủ triệu hồi các phái đoàn ngoại giao từ Paris. Bộ trưởng Darmanin khẳng định: "Thổ Nhĩ Kỳ không nên can thiệp vào vấn đề quốc nội của Pháp".
Liên quan vấn đề này, cùng ngày, Ủy ban châu Âu tuyên bố việc Tổng thống Erdogan ủng hộ những lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa Pháp là một bước làm chậm lại tiến trình gia nhập Liên minh châu (EU) vốn đang đình trệ của nước này. Ankara đệ đơn xin gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu năm 1987 và bắt đầu tiến trình đàm phán gia nhập EU vào năm 2005. Tuy nhiên, hiện các cuộc đàm phán này không tiến triển.