Theo thông báo, Phó giám đốc tình báo Ahmad al-Assiri và cố vấn truyền thông của Hoàng gia Saud al-Qahtani đã bị sa thải. Hai nhân vật này từng được coi là rất thân cận với Thái tử Mohammed. Trước đó, Saudi Arabia đã bắt giữ 18 đối tượng tình nghi và sa thải một loạt quan chức tình báo.
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) ngày 20/10 kêu gọi cộng đồng quốc tế phải duy trì sức ép với Saudi Arabia sau khi vương quốc này thừa nhận nhà báo Jamal Khashoggi bị giết ở trong Lãnh sự quán của nước này tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Trên mạng xã hội Twitter, ông Christophe Deloire, Tổng Thư ký RSF có trụ sở ở Paris, cho rằng: "Sau khi thừa nhận cái chết của Khashoggi, chúng tôi mong đợi một sức ép kiên quyết, liên tục và có tác động mạnh được duy trì với Saudi Arabia để tìm ra toàn bộ sự thật về vụ việc".
Nhà báo Khashoggi, quốc tịch Saudi Arabia và sinh sống tại Mỹ, đã mất tích từ ngày 2/10 sau khi tới Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul. Ông Khashoggi từng viết bài chỉ trích việc Saudi Arabia can dự vào tình hình chiến sự tại Yemen.
Vụ việc ông Khashoggi bị mất tích đã gây căng thẳng ngoại giao giữa Saudi Arabia và các nước phương Tây. Mỹ cũng đã cử Ngoại trưởng Mike Pompeo tới Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tìm hiểu về vụ việc trên trước khi đưa ra phản ứng.
Sau 2 tuần phủ nhận, cuối cùng chính quyền Riyadh đã phải lên tiếng thừa nhận vụ việc tai tiếng này.