Nguồn thạo tin ẩn danh cho biết các nhà đàm phán cấp chuyên viên đã tham gia nhiều vòng tham vấn được đánh giá là “căng thẳng” về biện pháp siết chặt trừng phạt dầu thô của Nga tại dãy núi Alps thuộc vùng Bavarian (Đức) ngay trước thời điểm nguyên thủ G7 nhóm họp. Dù còn nhiều vấn đề cần xử lý, nhưng các nhà đàm phán đã đạt nhận thức chung về việc lãnh đạo G7 nên chính thức khởi động thảo luận về áp giá trần đối với dầu mỏ nhập khẩu của Nga.
Một cơ chế quản lý giá như vậy sẽ đặt ra giới hạn trên về giá (giá trần) đối với sản phẩm dầu mỏ của Nga, vốn sẽ được các bên tham gia sáng kiến này đơn phương áp đặt, ngăn không cho Nga bán dầu với mức giá cao hơn. Với các nước châu Âu, giải pháp này cũng mở ra cánh cửa tiềm năng về giảm lạm phát vốn đang là thách thức nổi bật cả châu lục phải đối mặt do giá nhiên liệu tăng vọt.
Italy, Mỹ và một số nước ủng hộ ý tưởng này. Tuy nhiên, nhiều nước trong Liên minh châu Âu (EU) lo ngại việc thông qua và triển khai giải pháp về giá sẽ lại một lần nữa gây ra rạn nứt trong nội bộ EU. Bởi nó dính đến việc phải lật lại nhiều điểm trong thỏa thuận trừng phạt ngành dầu mỏ, khí đốt Nga đã được EU thông qua trước đó - một thỏa thuận phải rất khó khăn mới đạt được vào phút chót.