Kinh tế Trung Quốc với lựa chọn khó khăn

Trong khi nhu cầu trong nước chưa được chấn hưng, xuất khẩu của Trung Quốc thời gian qua tiếp tục tụt dốc. Gánh nặng đạt mục tiêu tăng trưởng vì thế đang dồn vào đầu tư, đặt Trung Quốc trước lựa chọn hoặc là thúc đẩy cải cách hoặc là trở lại con đường phát triển cũ mà nước này đang cố gắng thoát khỏi.


Khi kịch bản xấu xảy ra…

Trước khi Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố số liệu GDP quý III, trong giới kinh tế phổ biến tồn tại ba loại nhận định. Thứ nhất, tình hình kinh tế quý III của Trung Quốc sẽ không được cải thiện, cũng không xấu đi, tốc độ tăng trưởng ngang bằng mức của quý I và quý II (7%). Thứ hai, tăng trưởng kinh tế chạm đáy, nghĩa là dù tốc độ ngang bằng hai quý trước hay thấp hơn một chút, nhưng đều có những dấu hiệu chứng minh tăng trưởng kinh tế đã chạm đáy. Thứ ba, tăng trưởng kinh tế đi ngang, nghĩa là tình hình kinh tế không có cải thiện lớn, vẫn đi ngang trong vùng đáy. Đây là kịch bản tồi tệ nhất vì không biết tăng trưởng kinh tế đã chạm đáy chưa hay còn tiếp tục tụt dốc, cũng không biết khi nào có thể phục hồi.

Hoạt động tại cảng container Qingdao ở tỉnh Sơn Đông.

Càng gần tới thời điểm Trung Quốc công bố số liệu GDP quý III, giới kinh tế càng có thiên hướng bi quan. Việc cho rằng tăng trưởng kinh tế quý III của Trung Quốc sẽ rớt xuống dưới mốc tâm lý 7% đã trở thành dòng ý kiến chủ lưu. Rốt cuộc, nhận định của đa số nhà kinh tế đã ứng nghiệm. Ngày 19/10 vừa qua, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết tăng trưởng GDP quý III của nước này đạt 6,9%, là mức thấp nhất kể từ quý I/2009. Đây cũng là lần đầu tiên tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc rớt xuống dưới ngưỡng tâm lý 7% mà Bắc Kinh nỗ lực thủ giữ nhiều năm nay.

Tuy nhiên, đây có thể chưa phải là đáy. Nomura, hãng tài chính hàng đầu của Nhật Bản, cho rằng số liệu cụ thể cho thấy áp lực giảm tốc tăng trưởng vẫn tương đối lớn. Hãng này dự đoán tăng trưởng kinh tế quý IV của Trung Quốc sẽ tiếp tục đi xuống, đạt khoảng 6,4%, thậm chí trong năm 2016 chỉ còn 5,8%. Đối với nhiều người, đây là tốc độ tăng trưởng thấp. Nhưng theo trưởng bộ phận nghiên cứu ngoại hối của Nomura Jens Nordvig, nó có thể vẫn còn cao hơn tốc độ tăng trưởng thực tế.

Nguyên nhân là do Nomura đưa ra dự báo nêu trên với tiền đề rằng trong năm 2016, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc sẽ tăng 20% so với năm nay. Nếu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng không đạt được mức 20%, hơn nữa, trong ngắn hạn, một số dự án còn đối mặt với rủi ro không tạo ra đủ sức hấp dẫn, kịch bản GDP lao dốc thẳng đứng của năm 2009 có thể sẽ tái diễn. Khi đó, tăng trưởng năm 2016 của Trung Quốc có thể sẽ chỉ đạt mức 3,5%. Khả năng này không phải là không có nếu biết rằng tỉ trọng đầu tư vẫn đang chiếm gần một nửa trong GDP của Trung Quốc.

… dấu hiệu trở lại “lối mòn tăng trưởng” xuất hiện

Trung Quốc đặt mục tiêu vào năm 2020 sẽ tăng gấp đôi GDP và thu nhập bình quân đầu người so với mức của năm 2010. Trong 5 năm đầu tiên, tính từ năm 2011, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc lần lượt là 9,5%; 7,7%; 7,7%; 7,3% và 9 tháng đầu năm 2015 là xấp xỉ 7%. Dự tính, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của Trung Quốc giai đoạn 2011 - 2015 là gần 8%. Để đạt được mục tiêu nêu trên, nhằm thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và tránh tạo ra rủi ro bất ổn xã hội từ thất nghiệp tăng cao bởi kinh tế giảm tốc, Trung Quốc cần thiết phải duy trì tăng trưởng bền vững. Xem xét từ góc độ đó, tờ “Kinh tế Nhật báo” của Hong Kong cho rằng trong 5 năm tới, việc Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 6,5% là một lựa chọn hợp lý.

Vấn đề là số liệu tháng 9 cho thấy rõ áp lực đi xuống của kinh tế Trung Quốc vẫn tương đối lớn. Bài toán tăng trưởng của Trung Quốc tới đây được cho là sẽ vẫn phụ thuộc vào các biến số như nước này có gia tăng mức độ kích thích kinh tế hay không, bao gồm cả việc giảm lãi suất, giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc và phá giá đồng nhân dân tệ… Nhưng nếu xem xét việc xuất, nhập khẩu tháng 9 của Trung Quốc tiếp tục sụt giảm có thể thấy nhu cầu trong, ngoài nước vẫn rất yếu. Điều đó có nghĩa ngoài các biện pháp nêu trên, tăng cường đầu tư chính phủ có thể sẽ quay lại làm động lực chủ yếu dẫn dắt tăng trưởng trong tương lai, làm tăng biến số cho bài toán chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chú trọng phát triển nhu cầu trong nước.

Kỳ thực, ngay từ trước khi số liệu kinh tế quý III được công bố, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc đã triển khai hành động liên quan. Trong hơn một tháng trở lại đây, nhiều quan chức cấp cao của Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc, gồm cả chủ nhiệm Từ Thiệu Sử và Phó Chủ nhiệm Lưu Hạc đã xuống hàng loạt địa phương như Trùng Khánh, Quảng Đông, Hồ Nam… điều tra nghiên cứu. Có thông tin nói rằng khi bàn về tình hình phát triển kinh tế, các quan chức địa phương đều nhấn mạnh “áp lực kinh tế giảm tốc rất lớn”, “tồn tại rất nhiều nhân tố không xác định ảnh hưởng tới việc kinh tế ổn định tăng trưởng trở lại” và “cần phải đặt ổn định tăng trưởng lên hàng đầu”.

Làm thế nào để ổn định tăng trưởng? Câu trả lời dường như bắt đầu hé lộ khi người ta thấy gần đây Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc không ngừng phê duyệt các dự án đầu tư. Một số địa phương như Sơn Đông, Thiểm Tây, Cam Túc… dốc toàn lực đẩy mạnh tiến độ xây dựng các dự án đang thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn cố gắng từ nay tới cuối năm khởi công tất cả các dự án đầu tư nằm trong dự toán năm 2015. Con số này đối với tỉnh Hải Nam là 500 dự án, tỉnh Quý Châu là 600 dự án…

Tuy nhiên, theo nhà kinh tế học nổi tiếng Trung Quốc Ngô Kính Liên, mô hình chỉ dựa vào đầu tư chính phủ để tạo động lực tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tồn tại hai vấn đề. Một là hiệu quả đầu tư mang lại giảm. Hai là tỉ lệ đòn bẩy không ngừng tăng. Cả hai vấn đề này đều gây ra rủi ro cho nền kinh tế. Cùng với sự sụt giảm tăng trưởng, kinh tế Trung Quốc một lần nữa đứng trước giao lộ giữa thúc đẩy cải cách và trở lại với mô hình tăng trưởng cũ. Quyết định lựa chọn con đường nào hiện nằm trong tay Chính phủ Trung Quốc và sẽ dần biết được sau Hội nghị Trung ương 5 khóa 18 từ 26 - 29/10 tới.
Hà Ngọc
Kinh tế Trung Quốc đối mặt với “tàu sân bay TPP”
Kinh tế Trung Quốc đối mặt với “tàu sân bay TPP”

Sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ví Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) “quan trọng như việc tăng thêm một chiếc tàu sân bay”, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng tuyên bố “không thể để các nước như Trung Quốc viết ra quy tắc kinh tế toàn cầu”. Xem ra khi “tàu sân bay TPP” rẽ sóng ra khơi, cuộc đấu tranh chiến lược kinh tế toàn cầu và khu vực giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ bước vào giai đoạn mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN