Thông thường, Fed thường dựa trên tình hình "sức khỏe" của nền kinh tế Mỹ để xác định lộ trình cho các chính sách tiền tệ, và rất hiếm khi các quyết định liên quan đến lãi suất bị chi phối bởi tình hình của các nền kinh tế bên ngoài. Nhà kinh tế học Joel Naroff nhận định: "Fed đã đi đến quyết định cần phải cân nhắc mọi vấn đề kinh tế và tài chính trên thế giới, và trong bối cảnh kinh tế và tài chính toàn cầu hiện nay, chưa đến lúc để tiến hành tăng lãi suất".
Quang cảnh bên ngoài trụ sở Fed ở Washington ngày 16/9. Ảnh: Reuter/TTXVN |
Trong tuyên bố ngày 17/9, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - nói rằng "tình hình kinh tế và tài chính trên toàn cầu là một phần nguyên nhân tác động tới các quyết sách kinh tế" và nhiều khả năng sẽ khiến tỷ lệ lạm phát của Mỹ, vốn vẫn đang ở mức thấp, giảm thêm.
Tuy tuyên bố của FOMC không đề cập tới Trung Quốc song Chủ tịch Fed Janet Yellen đã nhắc đến nền kinh tế lớn thứ hai này trong bài phát biểu của mình. Bà nói: "Chúng tôi rất quan tâm tới các nguy cơ liên quan đến Trung Quốc. Song không chỉ có vậy, Fed còn cân nhắc tình hình của các thị trường mới nổi, và các tác động từ những diễn biến ở các thị trường này đối với Mỹ". Bà Yellen cho rằng những xáo trộn trên các thị trường tài chính sau khi Trung Quốc bất ngờ hạ giá đồng nội tệ hồi giữa tháng 8 vừa qua "phản ánh những lo ngại về nguy cơ suy thoái từ tình hình nền kinh tế này". Tuy nhiên, bà nhấn mạnh Fed "không hoàn toàn bị chi phối bởi các thăng trầm trên những thị trường", và đây "cũng không phải là chính sách của Fed".
Nhà kinh tế Chris Low thuộc tổ chức Tài chính FTN không đồng tình với những phát biểu của bà Yellen. Ông cho rằng Fed rõ ràng đã hành xử theo cách mà bà phủ nhận, "bởi rõ ràng khi các thị trường có biến động, trách nhiệm của chúng là phân tích xem đâu là căn nguyên của những xáo trộn này, song điều mà họ (Fed) làm là đổ lỗi cho sự yếu kém của các nền kinh tế bên ngoài".
Theo nhà kinh tế Ozlem Yaylaci thuộc tổ chức IHS Global Insight, có vẻ như Fed đã có đủ các số liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đảm bảo đáp ứng đủ yêu cầu để tiến hành tăng lãi suất, song Chủ tịch Fed Yellen chỉ khẳng định nền kinh tế mới chỉ ở mức "thể hiện tốt". Derek Scissors, một nhà kinh tế làm việc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho rằng việc bà Yellen viện dẫn đà tăng trưởng chậm của nền kinh tế Trung Quốc "chỉ nhằm bao biện cho quyết định không tăng lãi suất". Theo ông, lý do thực sự khiến Fed giữ nguyên lãi suất là bởi "thị trường lao động tại Mỹ vẫn chưa thực sự ổn định". Ông cho rằng tuy tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 5,1% song số người tham gia lực lượng lao động vẫn thấp, trong khi lộ trình tăng tiền lương tuần vẫn chưa có tiến triển.
Tuy nhiên, sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc là điều có thực. IHS Global Insight dự đoán tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này từ mức 7,3% trong năm 2014, sẽ giảm xuống 6,5% trong năm nay và sang tới năm 2016 sẽ chỉ còn 6,3%.
Trong khi đó, ông Naroff bày tỏ quan ngại về "màu xám" đang bao trùm bức tranh kinh tế Trung Quốc. Ông nói: "Chúng ta thậm chí còn không biết rõ điều gì đang thực sự diễn ra ở Trung Quốc, nhất là khi các số liệu mà họ đưa ra đều rất đáng ngờ, và thực tế là chính sách của họ không hề minh bạch". Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 17/9 kêu gọi Trung Quốc có trách nhiệm hơn và hối thúc quốc gia này đưa ra các số liệu kinh tế thực sự có chất lượng.
Ông Scissors cũng đồng tình với quan điểm trên và cho rằng đây một lý do khác khiến Fed quyết định giữ nguyên mức lãi suất gần bằng 0 suốt trong 7 năm qua. Theo ông, các nhà hoạch định chính sách của FOMC không tin tưởng vào chính sách tiền tệ của Trung Quốc, và có thể họ "không muốn thay đổi mức lãi suất trong bối cảnh Trung Quốc có thể tiếp tục hạ giá đồng nhân dân tệ sâu hơn nữa".