Giới quan sát nhận định, trong khi quan chức hai nước sẽ “khảo nghiệm” một loạt các vấn đề gai góc trong quan hệ Mỹ - Trung từ an ninh mạng tới tình hình Biển Đông, thì nhiệm vụ chủ chốt nhất mà ông Tập Cận Bình cần thức hiện là trấn an giới đầu tư rằng kinh tế Trung Quốc vẫn ổn định và “cởi mở” đối với giới doanh nghiệp. Việc đầu tiên mà Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện sau khi đặt chân tới Mỹ là phát biểu trước cộng đồng doanh nghiệp, tham gia một cuộc hội thảo điều hành với giới lãnh đạo quản trị các công ty, tập đoàn lớn.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters |
Thủ tướng Lý Khắc Cường ngày 21/9 tuyên bố, Trung Quốc hướng đến việc phát triển các thị trường vốn cởi mở, minh bạch và không có cơ sở cho việc tiếp tục phá giá đồng NDT. Và trong một động thái được cho là mở đường, ngày 22/9, tờ Wall Street Journal đã cho đăng tải bài trả lời độc quyền bằng văn bản của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định nền kinh tế nước này vẫn đang tăng trưởng trong biên độ hợp lý; các chương trình cải cách sẽ không bị chệch hướng chỉ vì một số những dấu hiệu yếu kém và chính phủ sẽ đẩy mạnh nổ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Ông cho biết Trung Quốc tiếp tục theo đuổi đường hướng mở cửa với hình ảnh so sánh “mũi tên phóng đi thì không thể thu lại”; đặt trọng tâm vào việc phát triển nền kinh tế sáng tạo, chuyển từ tăng trưởng dựa vào xuất khẩu sang tiêu dùng. Trước quan ngại của dư luận, ông Tập cho rằng giới đầu tư cần có cái nhìn dài hạn, đồng thời so sánh nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới như con tàu trên biển động mà “đã là tàu, dù to hay nhỏ thì đôi khi cũng chòng chành khi ra biển lớn”.
Những phát biểu trên được cho là nhằm củng cố niềm tin toàn cầu đối với đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, thể hiện qua bất ổn trên thị trường chứng khoán nhiều tháng qua; quyết định phá giá đồng NDT, gây ra những cơn “bán tháo” trên thị trường hàng hóa, tài sản toàn cầu cũng như sự trồi sụt về tiền tệ tại các thị trường mới nổi. Giới đầu tư quốc tế hiện cũng quan ngại đến môi trường hoạt động tại Trung Quốc, sau việc Bắc Kinh đệ trình dự luật về đầu tư nước ngoài theo hướng chặt chẽ hơn, gắn với các yêu cầu về an ninh quốc gia.
Giáo sư Sun Zhe chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa bình luận điều mà ông Tập Cận Bình cần làm được tại Mỹ là khôi phục lòng tin vào nền kinh tế Trung Quốc. “Chuyến thăm của ông Tập đặt nặng trọng tâm vào vấn đề kinh tế, thương mại. Đó là những lĩnh vực có nhiều nền tảng chung nhất và dễ đạt được thỏa thuận nhất. Ít có khả năng về một bước đột phá về vấn đề Biển Đông, vì đây là chủ đề liên quan đến nhiều nước khác”, chuyên gia này bày tỏ.
Jacob Parker, Giám đốc kiêm Trưởng đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung tại Thượng Hải nhìn nhận, giới doanh nhân hy vọng ông Tập sẽ “đưa ra một tuyên bố chắc chắn về tương lai kinh tế Trung Quốc, giải tỏa những nghi ngờ của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ về đường hướng cải cách chính sách kinh tế… Theo chúng tôi, bất kể mộ khu vực nào mà hiện nay còn hạn chế đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài thì đều cần phải được tự do hóa. Rõ nhất là ở lĩnh vực dịch vụ, ví như tài chính, tư vấn luật”.
Giới phân tích cho rằng, sẽ rất khó để Mỹ và Trung Quốc có thể đi đến các thỏa thuận mang tính đột phá trong quan hệ song phương qua chuyến thăm lần này của ông Tập Cận Bình, khi mà nước Mỹ đang chuẩn bị bước vào kì bầu cử Tổng thống. Khi đó, việc tạo dựng môi trường tiếp xúc tích cực, nhấn mạnh lợi ích ngày một gắn chặt giữa hai bên như ông Tập bày tỏ ngay trước thềm chuyến thăm sẽ là thông điệp nổi bật hơn cả. Mà lợi ích thì suy cho cùng, sát sườn nhất vẫn là từ kinh tế.