Ông Tập Cận Bình thăm Mỹ: Khó có bước ngoặt ngoại giao

Giới phân tích không tỏ ra lạc quan về những tiến triển mang tính thực chất đối với cuộc gặp sắp tới khi mà giữa hai nước hiện vẫn tồn tại nhiều rạn nứt.


Cuối tháng này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến công du cấp nhà nước đầu tiên đến Mỹ. Đây được đánh giá là một sự kiện quan trọng đối với quan hệ hai nước và cũng sẽ là chuyến thăm chính thức cuối cùng của nguyên thủ Trung Quốc mà Tổng thống Obama đón tiếp trong nhiệm kỳ của mình. Tuy nhiên, trong bối cảnh mối quan hệ song phương đang gặp sóng gió do những bất đồng về một số vấn đề nổi cộm như an ninh mạng hay vấn đề Biển Đông, giới phân tích nhận định sẽ khó có khả năng Mỹ và Trung Quốc đạt được "bước ngoặt" ngoại giao trong chuyến thăm.

Nghị sự dày đặc

Trên thực tế, chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Mỹ lần này đã được lên kế hoạch từ đầu năm nay (tháng 2/2015), cho phép hai bên có thời gian chuẩn bị kế hoạch chi tiết của chuyến thăm với chương trình nghị sự dày đặc. Chủ tịch Trung Quốc sẽ được đón tiếp trọng thể, với 21 loạt đạn bác chào đón, các bữa tiệc chiêu đãi cấp quốc gia và nhiều nghi lễ quan trọng khác. Ông Tập Cận Bình sẽ bắt đầu chuyến thăm bằng một loạt hoạt động ngoại giao công chúng ở Seattle vào ngày 22/9 trước khi ông tới thủ đô Washington để gặp Tổng thống Obama, và sẽ kết thúc chuyến công du bằng một bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vào ngày 28/9.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice (trái) đã có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh ngày 28/8. Ảnh: THX/TTXVN


Tại Seattle, trung tâm công nghệ và là “quê hương” của những tập đoàn lớn như Microsoft và Amazon, ông Tập Cận Bình sẽ gặp gỡ cộng đồng doanh nhân, tham dự một hội nghị bàn tròn với các giám đốc điều hành. Nhà lãnh đạo Bắc Kinh được cho là sẽ trấn an họ về những biến động trong nền kinh tế Trung Quốc cùng với những cải cách kinh tế sẽ thực hiện. Trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung tại thủ đô Washington, dự kiến Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Obama sẽ đề cập đến nhiều vấn đề đang cản trở sự phát triển trong quan hệ giữa hai nước, trong đó có những hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và vấn đề an ninh mạng. Đây là những vấn đề được Washington rất quan tâm và nhiều lần đặt ra trong các cuộc gặp giới chức song phương trước đó. Ngoài ra, Hiệp định Đầu tư song phương Trung - Mỹ (BIT) cũng như vấn đề kinh tế toàn cầu dự kiến cũng sẽ là những vấn đề nghị sự quan trọng được lãnh đạo hai nước thảo luận.

Khó có bước đột phá

Cuộc gặp cấp cao giữa nguyên thủ hai nước tại thủ đô Washington được đánh giá là rất quan trọng và là cơ hội để hai bên xây dựng bầu không khí tích cực hơn cho quan hệ song phương. Tuy nhiên, giới phân tích lại không tỏ ra lạc quan về những tiến triển mang tính thực chất đối với cuộc gặp sắp tới khi mà giữa hai nước hiện vẫn tồn tại nhiều rạn nứt.

Làm nền cho chuyến công du Mỹ lần này là những lời chỉ trích từ chính giới Washington, đặc biệt liên quan đến vấn đề Biển Đông. Phía Mỹ luôn bày tỏ quan ngại với phía Trung Quốc về hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Bắc Kinh trên Biển Đông cũng như hành động quân sự hóa quy mô lớn vùng biển này. Washington cũng khuyến cáo Bắc Kinh ngừng các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang căng thẳng nhằm tạo không gian cho các biện pháp ngoại giao. Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc khẳng định đã ngừng hoạt động bồi đắp trên các đảo ở Biển Đông.

Ngoài vấn đề Biển Đông, an ninh mạng cũng là một chủ đề chủ đề gai góc trong quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ - Trung Quốc. Cả hai đã nhiều lần cáo buộc lẫn nhau dính líu đến các vụ tấn công mạng và đánh cắp thông tin. Hồi tháng 6 vừa qua, Washington cáo buộc Bắc Kinh thuộc diện "tình nghi" trong vụ tin tặc đột nhập hệ thống dữ liệu của Cơ quan Quản lý nhân sự thuộc chính phủ nước này và đánh cắp dữ liệu cá nhân của ít nhất 4 triệu nhân viên liên bang. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bác bỏ và cáo buộc những lời kết tội trên là “vô trách nhiệm”. Ngoài ra, Trung Quốc cũng chỉ trích Mỹ là “đạo đức giả” vì thường xuyên tố cáo việc do thám công nghiệp và kinh tế, trong khi chính Mỹ đã triển khai một hệ thống theo dõi khắp thế giới thông qua các cơ quan tình báo.

Điểm đáng lưu ý, trước thềm chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình, nhiều thông tin cho biết Mỹ đang cân nhắc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại các công ty và cá nhân tại Trung Quốc hưởng lợi từ các vụ tấn công mạng nhằm vào những mục tiêu ở Mỹ. Dường như để tạo hòa khí, Bắc Kinh đã cam kết trừng phạt tội phạm an ninh mạng bên trong biên giới của mình.

Trong bối cảnh như vậy, theo nhận định của chuyên gia Nga Alexander Larin, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung sắp tới sẽ không có đột phá lớn. Ông cho rằng "do quan hệ hai nước căng thẳng hơn trước, chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ diễn ra trong một tình huống khá khó khăn. Hai bên sẽ ký một số văn bản mở ra tiềm năng nào đó để phát triển hơn nữa các mối quan hệ, song sẽ không có một bước đột phá nào bởi hai bên đã có những mâu thuẫn nghiêm trọng trong một thời gian dài”.

Mặc dù vậy, vẫn có những ý kiến tỏ ra lạc quan hơn. Chuyên gia Ezra Vogel, Giáo sư danh dự của Trung tâm châu Á thuộc trường Đại học Harvard, cho rằng cuộc gặp lãnh đạo Mỹ - Trung sắp tới sẽ thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau giữa Washington và Bắc Kinh, và đây có thể sẽ là thành tựu lớn nhất mà chuyến công du của ông Tập Cận Bình tạo dựng được. Ông Vogel thừa nhận rằng rất khó để hai nước đạt được thỏa thuận trong vấn đề liên quan đến một số bất đồng, trong đó có vấn đề tấn công mạng và Biển Đông. Vì vậy, việc thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau có thể là “biện pháp quan trọng nhất và cơ bản nhất” để quan hệ giữa hai nước đạt được tiến triển.

Tuy nhiên, chuyến thăm vẫn sẽ là cơ hội để hai bên cải thiện vấn đề lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau. Về lâu dài, để đạt được một đột phá ngoại giao mang tính thực chất, đòi hỏi thiện chí và quyết tâm của hai bên trong việc thu hẹp những bất đồng.

Phương Oanh
Trung Quốc chủ trương tăng cường sự tin cậy với Mỹ
Trung Quốc chủ trương tăng cường sự tin cậy với Mỹ

Ngày 16/9, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết chuyến thăm Mỹ sắp tới của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ củng cố quan điểm hòa bình sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước, trong khi xung đột sẽ làm phương hại cho cả hai bên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN