Trên một bài viết đăng trên tạp chí khoa học Nature ngày 23/6, Maharaj Pandit - Giáo sư về khoa học môi trường tại Đại học Delhi – cho biết việc Ấn Độ và Trung Quốc đều xây dựng đường xá và cơ sở hạ tầng tại dãy Himalaya đang tàn phá thảm thực vật trong khu vực.
Giáo sư Pandit cho rằng cả hai nước đều không muốn chiến tranh và nỗ lực của các nhà bảo tồn muốn hình thành một khu bảo tồn thiên nhiên tại Himalaya nên được cân nhắc như một giải pháp ngoại giao đối với các xung đột biên giới.
Khu vực Himalaya, trong đó gồm đỉnh Everest, là ngôi nhà của nhiều loại động vật quý hiếm như báo tuyết hay hươu xạ lùn… trải dài 2.410 km dọc một vài quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Nepal và Bhutan. Ông Pandit cho biết muốn xây dựng một khu bảo tồn thiên nhiên khổng lồ tại khu vực cần sự hợp tác từ tất cả các quốc gia.
“Tôi muốn mở rộng thảo luận tới toàn bộ vùng núi Himalya, dãy núi Hoành Đoạn ở Trung Quốc và vùng núi Indo-Burma. Đây là 3 điểm nóng đa dạng sinh học toàn cầu quan trọng nhất mang ý nghĩa bảo tồn to lớn và cùng chia sẻ hàng triệu năm trao đổi sinh học”, nhà khoa học trả lời trong một cuộc phỏng vấn với báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).
Kể từ cuộc chiến năm 1962, biên giới Trung-Ấn tại dãy Himalaya vẫn luôn chứng kiến rạn nứt âm ỉ và nhiều lần bùng phát xung đột giữa hai nước. Cuối tháng trước, Trung Quốc đã triển khai một lực lượng đáng kể binh sĩ đến khu vực biên giới. Đáp lại, Ấn Độ cũng đã điều thêm 5.000 binh sĩ đến vùng Ladakh để tăng viện cho lực lượng đang trấn giữ vùng đất dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC).
Căng thẳng lại thêm leo thang sau khi binh lính hai nước đụng độ tại thung lũng Galwan đêm 15/6. Quân đội Ấn Độ cho biết ít nhất 20 binh sĩ nước này đã thiệt mạng. Hai bên đã cáo buộc lẫn nhau không giữ cam kết tôn trọng LAC.
Video báo tuyết tại Himalaya săn mồi (nguồn: BBC):
Luôn dành tình cảm đặc biệt với dãy núi Himalaya, Giáo sư Pandit cho biết ông sẽ tiếp tục viết các báo cáo học thuật về ảnh hưởng của nạn tàn phá rừng, biến đổi khí hậu và việc xây dựng đập lên hệ sinh thái nơi đây.
“Việc sử dụng đất và quân sự hóa đã thay đổi cũng như phá hủy môi trường sống trên Himalaya, khiến một vài sinh vật quý hiếm bị tuyệt chủng. Ngoại giao là hy vọng duy nhất đối với chúng. Rất dễ để hình dung ra tác động của các cơ sở quân sự lên khu vực dễ tổn thương về sinh thái”, nhà khoa học viết trên tạp chí Nature. Hình ảnh vệ tinh xác nhận lực lượng Trung Quốc đã xây dựng các tòa nhà tại thung lũng sông Galwan bên phía Ấn Độ. Cả hai bên đều điều động hàng nghìn binh sĩ tới biên giới trong bối cảnh căng thẳng leo thang.
Ông Pandit cho rằng lợi ích địa chính trị không là gì so với với tầm quan trọng của hệ sinh thái dãy Hymalaya, khi các dòng sông trong khu vực cung cấp nước cho trên 1 tỷ người. Từ chối chỉ ra quốc gia phải chịu trách nhiệm cao nhất trong việc gây nguy hiểm cho hệ sinh thái khu vực, Giáo sư Pandit khuyến cáo tất cả các nước liên quan đều cần có trách nhiệm bảo vệ: “Chúng ta phải nhắc các nhà lãnh đạo những nước đó rằng chúng ta sống chỉ khi dãy Himalaya sống”.