Ấn Độ cân nhắc loại 'ông lớn' Huawei khỏi chiến lược 5G quốc gia

Chính phủ Ấn Độ được cho là đang cân nhắc loại bỏ các công ty Trung Quốc, trong đó có tập đoàn công nghệ Huawei, ra khỏi các dự án phát triển mạng 5G thế hệ mới của nước này.

Chú thích ảnh
Logo Huawei in trên bộ trang phục sari của phụ nữ Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng leo thang sau vụ đụng độ bạo lực ở biên giới gây thương vong hồi giữa tháng 6.

Theo kênh RT, trong cuộc họp ngày 29/6, các bộ trưởng Ấn Độ đã thảo luận về kế hoạch triển khai mạng 5G trong quốc gia. Các quan chức Ấn Độ cho biết họ không chắc chắn liệu rằng có nên cho phép các công ty Trung Quốc tham gia vào những dự án quan trọng phát triển công nghệ mới trong nước hay không.

Lệnh cấm mới có thể đánh dấu một bước ngoặt lớn trong quan điểm của Ấn Độ về Huawei. Sáu tháng trước, New Delhi bật đèn xanh cho Huawei tiến vào thị trường 5G của khu vực. Tháng 12/2019, Chính phủ Ấn Độ thông báo tất cả những nhà sản xuất thiết bị mạng lưới đều có thể tham gia thử nghiệm 5G. Tuy nhiến, đến tháng 5/2020, đại dịch COVID-19 khiến sự kiện đấu thầu xây dựng mạng 5G tại Ấn Độ bị đẩy lui lại cho tới ít nhất năm sau. Điều này cho phép chính quyền New Delhi có thêm thời gian để quyết định xem có sử dụng thiết bị Trung Quốc trong các dự án triển khai mạng 5G hay không.

Bắc Kinh nhiều lần cảnh báo quốc gia này có thể hành động đáp trả nhắm tới những công ty Ấn Độ hoạt động tại Trung Quốc nếu như New Delhi cấm Huawei tham gia phát triển mạng 5G.

Trong một diễn biến cùng ngày tổ chức họp giữa các bộ trưởng, Ấn Độ ra lệnh cấm sử dụng 59 ứng dụng điện thoại di động của Trung Quốc, trong đó có TikTok và WeChat. Ấn Độ là thị trường cài đặt ứng dụng TikTok lớn nhất thế giới, với 120 triệu người sử dụng và 611 triệu lượt tải về.

Bộ Công nghệ Ấn Độ ra tuyên bố nêu rõ các ứng dụng trên "liên quan đến các hoạt động... gây tổn hại tới chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ, cũng như quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự công cộng của Ấn Độ". 

Phản ứng trước quyết định của Ấn Độ, tại cuộc họp báo hằng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên phát biểu New Delhi phải có trách nhiệm duy trì quyền lợi của các doanh nghiệp Trung Quốc. TikTok cũng khẳng định tuân thủ tất cả quy định an ninh và bảo mật dữ liệu theo luật pháp Ấn Độ và công ty này không chia sẻ thông tin của những người dùng ở Ấn Độ với bất kỳ chính quyền nước ngoài nào, trong đó có chính quyền Trung Quốc. 

Trong nhiều năm qua, biên giới Trung-Ấn tại dãy Himalaya vẫn luôn chứng kiến rạn nứt âm ỉ và nhiều lần bùng phát xung đột giữa hai nước. Cuối tháng trước, Trung Quốc đã triển khai một lực lượng đáng kể binh sĩ đến khu vực biên giới. Đáp lại, Ấn Độ cũng đã điều thêm 5.000 binh sĩ đến vùng Ladakh trên dãy Himalaya để tăng viện cho lực lượng đang trấn giữ vùng đất dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC).

Căng thẳng lại thêm leo thang sau khi binh lính hai nước đụng độ tại thung lũng Galwan đêm 15/6. Quân đội Ấn Độ cho biết ít nhất 20 binh sĩ nước này đã thiệt mạng. Hai bên đã cáo buộc lẫn nhau không giữ cam kết tôn trọng LAC. Kể từ sau vụ việc trên, New Delhi và Bắc Kinh đã tổ chức nhiều vòng đàm phán quân sự để ngăn chặn các sự cố tương tự. 

Bảo Hà/Báo Tin tức
Ấn Độ-Nhật Bản tập trận chung và thông điệp gửi tới Trung Quốc
Ấn Độ-Nhật Bản tập trận chung và thông điệp gửi tới Trung Quốc

Các nhà phân tích nhận định rằng cuộc tập trận chung giữa hải quân Ấn Độ và Nhật Bản tại Ấn Độ Dương trong tháng 6 này cho thấy hai nước đang ngày càng xích lại gần nhau hơn trước “mối đe dọa chung” từ Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN