"Nhưng trong thời gian chờ đợi, tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, chúng tôi sẽ xác định con đường gia nhập của Ukraine. Cùng lúc đó, chúng tôi đang hướng tới một Hội đồng NATO-Ukraine thường trực. Đây là một bước quan trọng vì nó liên quan đến Kiev trong việc đưa ra các quyết định quốc tế”, ông Tajani phát biểu ngày 11/6 trước khi kết thúc chuyến thăm tại Mỹ.
Ông lưu ý rằng chuyến thăm này sẽ là dịp để tái khẳng định mối quan hệ đoàn kết xuyên Đại Tây Dương với Mỹ cũng như là tầm nhìn chung về cuộc khủng hoảng Ukraine.
Liên quan đến vấn đề viện trợ cho Ukraine, ông Antonio Tajani không thể gửi máy bay chiến đấu F-16 vì họ không sở hữu và cũng không thể huấn luyện bay trên loại máy bay này. Do đó, Italy chỉ gửi vật tư quân sự, đồng phục, áo chống đạn và đạn dược. Quan chức trên đồng thời lưu ý rằng Italy đã thúc đẩy việc Ukraine gia nhập EU.
Trước đó, Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố rằng 20 quốc gia thành viên NATO đã ủng hộ tư cách thành viên của Ukraine trong khối quân sự này.
Tổng thống Zelensky cũng nhấn mạnh nếu không được trao tín hiệu về việc gia nhập, Kiev sẽ không có mặt tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius vào tháng 7 tới. Kiev đã vận động mạnh mẽ các quốc gia thành viên NATO để có được một lời hứa chắc chắn rằng Ukraine cuối cùng sẽ tham gia liên minh phòng thủ này.
Các nước phương Tây đã cung cấp cho Kiev nhiều loại hệ thống vũ khí khác nhau, bao gồm tên lửa phòng không, hệ thống phóng rocket đa nòng, xe tăng, pháo tự hành và súng phòng không kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2/2022. Điện Kremlin đã nhiều lần lên tiéng cảnh báo chống lại nỗ lực chuyển giao thêm vũ khí cho Kiev từ phương Tây, nói rằng chúng sẽ bị coi là mục tiêu quân sự hợp pháp.