Báo điện tử Bloomberg dẫn ý kiến của một số chuyên gia thị trường dầu mỏ đưa tin trong khi Mỹ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt, Iran đã và đang sử dụng nhiều chiến thuật giúp tàu chở dầu nước này giao dịch hàng hóa với các đối tác thương mại. Giới quan sát cho rằng một số tàu chở dầu của Iran đã chuyển sang chế độ “tàng hình” bằng cách tắt các máy phát tín hiệu để tránh bị phát hiện trên radar.
“Iran chỉ đơn giản là làm công việc vận chuyển dầu nước mình tới tay các quốc gia khác tốt hơn so với chúng ta nghĩ”, Devin Geoghegan – Giám đốc tình báo xăng dầu thuộc công ty Genscape có trụ sở ở Denver, Colorado (Mỹ) – nhận xét.
Cụ thể, nhà phân tích Samah Ahmed - đang làm việc cho viện nghiên cứu Kpler tại thủ đô Paris (Pháp) - cho rằng Iran đang áp dụng một số phương thức, trong đó gồm biện pháp “tắt máy phát đáp tín hiệu” để hệ thống radar không dò ra hướng đi, nhằm lách các lệnh trừng phạt.
Điển hình trong một diễn biến mới nhất, ngày 7/9, tàu chở dầu Iran Adrian Darya đã được vệ tinh Mỹ chụp ảnh cho thấy nằm gần cảng Tartus của Syria. Công ty công nghệ vũ trụ Maxar Technologies Inc của Mỹ cho biết tàu chở dầu Iran Adrian Darya 1 (trước đó có tên Grace 1) - tâm điểm cuộc tranh cãi giữa Tehran và các cường quốc phương Tây- trong tuần này đã mất tín hiệu ngoài khơi Syria. Theo dữ liệu theo dõi tàu được Công ty Refinitiv công bố hôm 3/9, tàu chở dầu này của Iran dường như đã tắt bộ phát tín hiệu trong vùng biển Địa Trung Hải, phía Tây Syria.
Chính với cách thức trên, các chuyên gia cho rằng mục tiêu các lệnh trừng phạt của Mỹ muốn gây sức ép tối đã đối với Iran để đưa sản lượng xuất khẩu dầu của quốc gia Trung Đông này về con số 0 là "không bao giờ đạt được”.
Kể từ tháng 8/2018, Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt ngày càng nghiêm ngặt đối với các quốc gia mua dầu Iran, đồng thời cáo buộc Tehran vi phạm thỏa thuận Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) bằng cách bí mật thực hiện các bước để phát triển vũ khí hạt nhân.
Các biện pháp trừng phạt đặc biệt nhằm vào mạng lưới tài chính và ngành kinh tế chủ lực của Iran là xuất khẩu dầu mỏ, nhằm gây áp lực buộc Tehran quay trở lại bàn đàm phán. Một năm sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Iran cũng tuyên bố điều chỉnh thu hẹp phạm vi tuân thủ cam kết trong thỏa thuận. Iran đặt thời hạn chót ngày 6/9 các nước châu Âu phải đề xuất cách thức bảo vệ các lợi ích kinh tế của nước này trước các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trên thực tế, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ, Iran vẫn thành công duy trì “dòng chảy dầu thô tới Trung Quốc" – khách hàng lớn nhất của quốc gia này và một số tới Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Syria. Dẫn số liệu từ 3 công ty theo dõi hoạt động của các tàu chở dầu, hãng tin Reuters cho biết chỉ trong tháng 7, Trung Quốc đã tiếp nhận khoảng 11 triệu thùng dầu thô của Iran.