Trước đó, tờ Financial Times đưa tin Đặc phái viên Mỹ về Iran Brian Hook đã gửi thư điện tử cho thuyền trưởng Akhilesh Kumar của tàu chở dầu Adrian Darya 1 đề nghị trả hàng triệu USD nếu lái tàu đến một nước mà tàu này có thể bị bắt giữ.
Một nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận: "Chúng tôi đã xem bài báo đăng trên Financial Times và có thể xác nhận thông tin là chính xác". Nữ phát ngôn viên này nêu rõ: "Chúng tôi đã liên hệ với một số thuyền trưởng cũng như công ty vận tải biển cảnh báo họ về những hậu quả khi hỗ trợ tổ chức khủng bố nước ngoài".
Tàu Adrian Darya 1, trước đây gọi là tàu Grace 1, đã bị bắt giữ trong 6 tuần tại vùng lãnh thổ hải ngoại Gibraltar thuộc Anh do bị nghi ngờ vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) chở dầu tới Syria. Tháng 8 vừa qua, Gibraltar đã thả tàu này sau khi nhận được cam đoan bằng văn bản rằng tàu sẽ không đến các nước bị EU áp đặt trừng phạt.
Nhà chức trách Mỹ cho biết ông Kumar đảm nhận vị trí thuyền trưởng tàu Adrian Darya 1 ở Gibraltar. Sau khi thuyền trưởng này không phản hồi đề xuất trên của Mỹ, Bộ Tài chính Mỹ ngày 30/8 đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với tàu Adrian Darya 1 cũng như thuyền trưởng của tàu. Theo đó, Mỹ phong tỏa mọi tài sản mà thuyền trưởng Kumar có thể có tại Mỹ và cấm các cá nhân và thực thể Mỹ giao dịch tài chính với ông Kumar. Bên cạnh đó, Mỹ cũng tuyên bố áp đặt trừng phạt một mạng lưới vận tải biển bị cáo buộc có quan hệ với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng ngày cho biết nước này có thông tin "đáng tin cậy" rằng tàu Adrian Darya 1 đang đi về hướng cảng Tartus của Syria. Ông nhấn mạnh: "Tôi hy vọng tàu này sẽ thay đổi hành trình”.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Thụy Điển ngày 4/9 cho biết một số thuyền viên của tàu chở dầu Stena Impero của nước này đã được trả tự do vài tuần sau khi bị Iran bắt giữ tại vùng Vịnh. Tuy nhiên, bộ này không nêu rõ số thuyền viên được thả.
Trước đó cùng ngày, Giám đốc điều hành Stena Bulk sở hữu tàu Stena Impero dự kiến 7 thành viên của thủy thủ đoàn gồm tổng cộng 23 người trên tàu sẽ được thả.
Ngày 19/7 vừa qua, Iran đã bắt giữ tàu "Stena Impero" treo cờ Anh tại Eo biển Hormuz, một trong những tuyến đường vận chuyển dầu quan trọng nhất trên thế giới, với lý do "vi phạm luật hàng hải quốc tế".
Các vụ bắt giữ tàu diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Iran gia tăng hơn một năm sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5/2018, tái áp dụng các biện pháp trừng phạt Tehran, đặc biệt nhằm vào mạng lưới tài chính và ngành kinh tế chủ lực của Iran là xuất khẩu dầu mỏ, nhằm gây áp lực buộc Tehran quay trở lại bàn đàm phán. Một năm sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Iran cũng tuyên bố điều chỉnh thu hẹp phạm vi tuân thủ cam kết trong thỏa thuận. Iran đặt thời hạn chót ngày 6/9 các nước châu Âu phải đề xuất cách thức bảo vệ các lợi ích kinh tế của nước này trước các lệnh trừng phạt của Mỹ.