Nhiều nhà kinh tế thuộc IMF, trong đó có nhà kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath, nhận định: "Đại dịch COVID-19 đã đẩy thế giới vào suy thoái. Đối với năm 2020, suy thoái toàn cầu sẽ trầm trọng hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009. Thiệt hại về kinh tế đang gia tăng ở các nước trên thế giới, do số ca mắc COVID-19 tăng mạnh cũng như các biện pháp kiềm chế dịch bệnh mà chính phủ các nước đang áp đặt".
Trung Quốc, nơi virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 bùng phát hồi giữa tháng 12/2019, là nước đầu tiên chịu tác động về kinh tế khi giới chức nước này áp dụng các biện pháp mạnh để khống chế dịch bệnh. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã chứng kiến sự phục hồi nhẹ trong chỉ số chế tạo chủ chốt của nước này trong tháng 3. Các hình ảnh từ vệ tinh cho thấy nồng độ tập trung khí CO2 tăng lên hồi tháng trước là dấu hiệu cho thấy hoạt động công nghiệp và giao thông khởi sắc tại nước này.
Chuyên gia kinh tế IMF cho rằng sự phục hồi tại Trung Quốc, dù ở mức giới hạn là điều đáng khích lệ, đồng thời nêu rõ các biện pháp phòng chống dịch bệnh mang lại hiệu quả có thể mở đường cho việc nối lại hoạt động kinh tế ở nước này.
Tuy nhiên, họ cảnh báo nguy cơ dịch bệnh diễn biến khôn lường trong tương lai và không loại trừ nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát tại Trung Quốc và các nước khác.Theo Đại học Johns Hopkins, Trung Quốc đến nay đã ghi nhận hơn 82.660 ca mắc COVID-19 và 3.335 ca tử vong, trong khi trên toàn thế giới hiện có 1,3 triệu bệnh nhân và hơn 70.000 người tử vong.