Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, trong một báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế khu vực đối với Mỹ Latinh và Caribe được công bố cùng ngày, IMF cho biết đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế cho khu vực Mỹ Latinh dựa trên những kết quả tốt hơn mong đợi trong năm 2020. Ngoài ra, dự báo này cũng được đưa ra nhờ vào triển vọng trong việc mở rộng các chiến dịch tiêm chủng của khu vực, triển vọng tăng trưởng tốt hơn của Mỹ và sự gia tăng giá cả của một số nguyên liệu thô.
IMF cho biết thêm, do hoạt động kinh tế Mỹ Latinh vào cuối năm 2020 đã cải thiện, theo đó tổ chức này cũng hạ dự báo về mức suy giảm kinh tế của khu vực xuống 7,4% thay vì 8,1 % như dự báo trước đó. Tương tự, IMF cho rằng mức trưởng kinh tế sẽ tăng tốc vào cuối năm 2021, trong đó các nền kinh tế lớn như Chile và Peru sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất trong năm nay với tỷ lệ lần lượt là 5,8% và 9%. Trong khi đó, Argentina, Brazil và Mexico sẽ ghi nhận mức tăng trưởng kém nổi bật hơn, lần lượt với mức tăng 4,5%, 3,6% và 4,3%.
Tuy nhiên, tài liệu của IMF cảnh báo sự phục hồi kinh tế của khu vực “vẫn còn là một chặng đường dài”, bởi sự phục hồi “vốn đã không đồng đều” này đang đối mặt với những tác động từ sự bùng nổ các làn sóng mới của đại dịch và việc áp dụng trở lại các biện pháp ngăn chặn chặt chẽ hơn ở một số quốc gia, cũng như do hậu quả của suy thoái kinh tế thế giới. IMF dự đoán rằng khu vực Mỹ Latinh và Caribe sẽ chỉ trở lại được năng lực sản xuất trước đại dịch vào năm 2023 và GDP bình quân đầu người vào năm 2025, muộn hơn so với các khu vực khác trên thế giới.
IMF nhấn mạnh, các chỉ số xã hội đang cho thấy cuộc khủng hoảng do dịch bệnh COVID-19 gây ra có tác động lớn đến việc làm tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe, với thiệt hại tập trung vào phụ nữ, lao động trẻ, nhóm lao động không chính thức.
Vào tháng 1 vừa qua, IMF cũng đã cải thiện dự báo tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu cho năm 2021, thêm 0,3 điểm phần trăm lên 5,5%, chủ yếu do việc bắt đầu các chiến dịch tiêm chủng trên khắp thế giới, dự kiến sẽ thúc đẩy hoạt động kinh tế.