Những quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19

Ngày 24/12, Chile, Mexico và Costa Rica đã trở thành những quốc gia đầu tiên ở khu vực Mỹ Latinh triển khai chương trình tiêm chủng đại trà vaccine phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chú thích ảnh
Hình ảnh minh họa vaccine ngừa COVID-19 do Công ty dược phẩm Pfizer và BioNTech phối hợp phát triển. Ảnh: AFP/TTXVN

Truyền hình Mexico đã phát sóng hình ảnh bắt đầu chương trình tiêm chủng quy mô lớn sau khi nước này tiếp nhận 3.000 liều vaccine đầu tiên do hai hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNtech (Đức) phối hợp bào chế. Nữ y tá Irene Ramirez, 59 tuổi, người được tiêm vaccine tại một bệnh viện ở thủ đô Mexico City, chia sẻ: "Đây là món quà tuyệt vời nhất mà tôi nhận được trong năm 2020". 

Theo chương trình tiêm chủng, từ tháng 12/2020-2/2021 sẽ tiêm cho các y bác sỹ tuyến đầu; tháng 2-4/2021 cho đội ngũ y bác sỹ còn lại và người có độ tuổi từ 60 trở lên; tháng 4-5/2021 cho độ tuổi 50-59 tuổi; tháng 5-6/2021 cho độ tuổi 40-49 tuổi và từ tháng 6/2021-3/2022 cho số người dân còn lại, trừ trẻ dưới 16 tuổi. Chính phủ Mexico đã ký các thỏa thuận với hãng dược phẩm Pfizer, AstraZeneca và CanSino Biologics để mua 146,8 triệu liều vaccine. Ngoài ra, Mexico sẽ mua 51,57 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 theo Cơ chế tiếp cận toàn cầu vaccine COVID-19 (COVAX), được thúc đẩy bởi Tổ chức Y tế Thế giới.

Tại Chile, nữ y tá Zulema Riquelme, 46 tuổi, một nhân viên y tế kỳ cựu làm việc tại bệnh viện công ở vùng nghèo khó của thủ đô Santiago, là người đầu tiên được tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech dưới sự chứng kiến của Tổng thống nước này Sebastian Pinera. Nữ y tá kêu gọi người dân tin tưởng và hưởng ứng chương trình tiêm chủng. 

Trước đó một ngày, chuyến bay chở 10.000 liều vaccine của hãng Pfizer/BioNTech đã tới sân bay Santiago. Số vaccine này được bảo quản trong các hộp kèm đá khô để bảo đảm tiêu chuẩn bảo quản và được chuyển bằng trực thăng của cảnh sát đến một trung tâm logistic ở thủ đô. Các nhân viên y tế đến từ 4 vùng của Chile là những đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine này trong ngày 24/12. 

Chile đã đạt được các thỏa thuận mua vaccine phòng COVID-19 với các hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh), Pfizer và Sinovac (Trung Quốc), cũng như tham gia COVAX. Tổng thống Pinera cho biết nước này bảo đảm được 30 triệu liều vaccine của 3 hãng sản xuất, đủ để tiêm cho 15 triệu dân, chiếm hơn 2/3 dân số nước này trong 6 tháng đầu năm 2021.

Tại Costa Rica, các đối tượng được ưu tiên trong chương trình tiêm chủng là đội ngũ nhân viên y tế và người cao tuổi. Cụ bà Eizabeth Castillo, 91 tuổi, đang được chăm sóc tại một viện dưỡng lão, là người đầu tiên ở Costa Rica được chủng ngừa vaccine phòng COVID-19. 

Trước đó, Tổng thống Carlos Alvarado cho biết Costa Rica đã tiếp nhận lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của Pfizr/BioNTech, với 9.750 liều. Chính phủ Costa Rica lên kế hoạch tiêm vaccine cho khoảng 3 triệu người, chiếm 60% dân số. Đến nay, Costa Rica đã ghi nhận tổng cộng 161.942 ca COVID-19, trong đó có 2.065 người ca tử vong.

Trong khi đó, Argentina cùng ngày đã tiếp nhận 300.000 liều vaccine Sputnik V của Nga. Đây là quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latinh phê duyệt sử dụng vaccine này.

Tại Canada, công ty con tại Canada của tập đoàn vận chuyển FexEx (Mỹ) và Innomar Strategies, đơn vị thuộc nhà cung ứng dược phẩm Mỹ AmerisourceBergen, thông báo đã bắt đầu phân phối vaccine phòng COVID-19 của hãng dược phẩm Moderna (Mỹ) trên toàn đất nước Canada. 

Chính phủ Canada cùng ngày cũng thông báo những liều vaccine đầu tiên của Modern đã tới Canada. Trước đó, ngày 23/12, Bộ Y tế Canada đã phê duyệt vaccine của Moderna đáp ứng các yêu cầu về hiệu quả, an toàn và chất lượng. Quyết định này được đưa ra 2 tuần sau khi nước này phê duyệt vaccine của Pfizer/BioNTech. Canada trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới "bật đèn xanh" tiêm chủng vaccine của Moderna, sau Mỹ.

FedEx và Innomar Strategies được Canada thuê để cung cấp hỗ trợ logistic trong việc vận chuyển vaccine. Tới nay, Canada đã ghi nhận 528.354 ca mắc COVID-19, trong đó có 14.597 ca tử vong.

Phương Oanh (TTXVN)
Virus SARS-CoV-2 biến thể, nhiều nước Mỹ Latinh dừng chuyến bay tới Anh
Virus SARS-CoV-2 biến thể, nhiều nước Mỹ Latinh dừng chuyến bay tới Anh

Sau thông tin về việc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 lây lan tại Anh, ngày 21/12, nhiều nước Mỹ Latinh đã quyết định dừng các chuyến bay hai chiều tới quốc gia châu Âu này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN