Theo tổng kết của tuần báo Orbe (Cuba), nếu các chỉ số dự báo kinh tế năm nay có khả quan hơn năm 2020 đen tối vừa qua - mà theo ước tính của Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc (ECLAC) mức độ sụt giảm kinh tế của cả khu vực lên tới 7,7% - thì khu vực này cũng không có nhiều hy vọng về một sự hồi phục nhanh hay bền vững, ít nhất là từ góc độ quan sát hiện tại.
Nhà kinh tế Alicia Bárcena, Thư ký điều hành của ECLAC, mới đây từng cảnh báo: “Cơ chế tăng trưởng trong năm 2021 của khu vực bị ràng buộc với tính chất bất trắc cao về diễn biến của đại dịch, với nguy cơ về các đợt bùng phát diện rộng mới, sự mong manh của hoạt động sản xuất và phân phối vaccine cùng khả năng hạn chế trong việc duy trì những chính sách ưu đãi về thuế và tiền tệ để hỗ trợ các bộ phận sản xuất của nền kinh tế”.
Theo nghiên cứu chính thức của ECLAC, tình trạng suy thoái của hoạt động kinh tế hiện tại cũng song hành với mức tăng mạnh tỷ lệ thất nghiệp - ước tính ở mức 10,7% vào cuối năm 2020, mức sụt giảm sâu tỷ lệ tham gia lao động và mức tăng đáng kể tình trạng nghèo và bất bình đẳng - chỉ số mà đã từ rất lâu Mỹ Latinh vốn đã là nhà “quán quân” thế giới.
Còn theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), do tác động của COVID-19, khoảng 45,5 triệu người tại khu vực này sẽ rơi vào tình trạng nghèo đói, trong đó có 28,5 triệu người ở mức nghèo cùng cực. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng không lạc quan hơn với dự đoán rằng 2021 sẽ là năm mà tình trạng lao động tại Mỹ Latinh sẽ trong tình trạng “điều trị tích cực” và các chỉ số thậm chí còn có thể tồi tệ hơn năm trước.
Vinícius Pinheiro, Giám đốc ILO tại khu vực, tổng kết: “Trong 10 tháng qua, các thị trường lao động tại Mỹ Latinh và Caribe đã thụt lùi ít nhất 1 thập kỷ, và cuộc khủng hoảng này vẫn còn xa mới kết thúc; trong năm nay tỷ lệ thất nghiệp (tại khu vực) có thể lên tới mức 11,2%”.
Những tính toán dự báo của ILO về mức tăng trưởng kinh tế của Mỹ Latinh trong năm 2021 cũng tương đương với mức mà ECLAC đưa ra: Nam Mỹ sẽ tăng trưởng khoảng 3,7%, trong khi tỷ lệ này của Trung Mỹ là 3,8% và Caribe là 4,2%.
Theo bà Bárcena, để có thể tạo ra mức tăng trưởng bền vững và có lợi cho toàn dân, Mỹ Latinh cần tiến hành cải tổ cơ cấu sản xuất hướng tới các mô hình thân thiện với môi trường, có khả năng tạo nhiều việc làm và đổi mới về công nghệ.
Về phần mình, FAO bình luận việc tái kích hoạt và chuyển đổi kinh tế tại Mỹ Latinh và Caribe cũng cần tới nguồn vốn và hợp tác quốc tế, những yếu tố thiết yếu cần đồng hành vỡi những nỗ lực to lớn mà mỗi nước trong khu vực phải thực hiện trong năm 2021 để dần thoát khỏi cuộc khủng hoảng sâu rộng hiện tại.