Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, trong báo cáo về triển vọng kinh tế của khu vực Mỹ Latinh và Caribe, các chuyên gia của IMF cho rằng cú sốc COVID-19 sẽ xóa bỏ một phần những tiến bộ kinh tế - xã hội mà khu vực này đã đạt được. IMF dự báo các nền kinh tế khu vực sẽ giảm 8,1% trong năm nay, chỉ tăng trưởng khoảng 3,6% trong năm 2021 và phải đến năm 2023 mới đạt mức tăng trưởng của thời kỳ trước đại dịch.
Báo cáo trên nhấn mạnh tác động nặng nề của đại dịch đối với lĩnh vực việc làm, theo đó hơn 30 triệu người tại Brazil, Mexico, Chile, Colombia, Mexico và Peru đã mất việc làm trong quý II/2020, ảnh hưởng tiêu cực tới phụ nữ (đặc biệt là ở Brazil, Colombia và Peru), cũng như những người trẻ tuổi và lao động trình độ thấp trong khu vực phi chính thức. Xét cấu trúc của thị trường lao động Mỹ Latinh, khoảng 45% tổng số việc làm nằm trong các ngành nghề đòi hỏi tiếp xúc xã hội cao và chỉ có 20% tổng số người lao động có thể làm việc từ xa. Điều này càng làm trầm trọng thêm tác động của dịch đối với các hoạt động kinh tế.
Giám đốc khu vực Tây Bán cầu của IMF, ông Alejandro Werner cho rằng sau đại dịch, mức hoạt động kinh tế và việc làm sẽ thấp hơn trước rất nhiều, trong khi tình trạng nghèo đói trở nên tồi tệ hơn. Bên cạnh đó, một số nhân tố gây bất an xã hội cũng sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề của khu vực. Các vụ biểu tình (đôi khi nổ ra bạo lực ở một số nước như Chile, Ecuador và Colombia), vốn xuất hiện từ trước đại dịch, sẽ lại bùng phát do sự bất bình của người dân đối với tình trạng tham nhũng và các chính sách "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ.
Các chuyên gia IMF nhấn mạnh ưu tiên hiện nay của khu vực là ngăn chặn sự lây lan bệnh dịch và củng cố sự phục hồi của nền kinh tế. Để giảm thiểu tác động của đại dịch, các nước Mỹ Latinh và Caribe đã công bố các chương trình hỗ trợ tài chính tương đương 8% GDP toàn khu vực. Các biện pháp đặc biệt này có vai trò quan trọng nhằm giảm thiểu tình trạng suy giảm kinh tế, ngăn chặn những tác động xã hội nghiêm trọng.
Trong một báo cáo khác công bố cùng ngày, IMF cho biết khu vực Nam Sahara của châu Phi đang đối mặt với những thách thức lớn trong việc tìm kiếm 890 tỷ USD để trả các khoản nợ không lồ cũng như phục vụ chi tiêu công cần thiết, và đại dịch COVID-19 khiến những thách thức này trầm trọng hơn. Theo báo cáo, từ nay đến năm 2023, khu vực này sẽ phải có được khoản tài chính trên, trong đó 480 tỷ USD để thanh toán các khoản nợ nước ngoài, số còn lại để bù đắp thâm hụt ngân sách.
IMF lưu ý rằng tỷ lệ nợ/GDP của khu vực Nam Sahara hiện khá ổn định ở mức 55% và dự kiến sẽ tăng lên 65% vào cuối năm nay. Riêng Nigeria, nền kinh tế lớn nhất khu vực, sẽ có mức nợ tương đương 68% GDP do giá và nhu cầu dầu thế giới đều giảm. Theo IMF, khoảng 50% số tiền 890 tỷ USD nói trên trông đợi từ các nguồn tư nhân, khoảng 25% trông đợi từ các định chế tài chính như IMF, còn khoảng 290 tỷ USD hiện vẫn chưa biết trông vào nguồn nào. Điều này khiến khu vực có nguy cơ thiếu hụt tài chính.