Theo báo cáo do Thư ký điều hành của CEPAL Alicia Barcena trình bày tại một cuộc họp báo trực tuyến, mức suy giảm FDI tại Mỹ Latinh cao hơn so với mức trung bình của thế giới là 40% và ngoài nguyên nhân do dịch bệnh còn có cả tác động của sự thay đổi chiến lược doanh nghiệp.
Theo bà Barcena, trong năm 2019 khu vực Mỹ Latinh và Caribe đã từng thu hút 160,7 tỷ USD vốn FDI, giảm 7,8% so với trước đó 1 năm và kể từ năm 2012 khi khu vực này đạt mức thu hút vốn FDI kỷ lục thì các năm tiếp theo đó đều có xu hướng giảm. Bà Barcena cho rằng nguồn vốn FDI mà Mỹ Latinh và Caribe nhận được đã không thúc đẩy những thay đổi liên quan trong cơ cấu sản xuất của khu vực, phần lớn là do các chính sách thu hút các dòng vốn này không được khớp nối với các chính sách phát triển sản xuất.
Báo cáo của CEPAL cũng nhấn mạnh rằng không có mô hình tiểu vùng nào về hành vi của FDI, mà là sự không đồng nhất giữa các quốc gia, mặc dù vào năm 2020 sự sụt giảm mang tính hệ thống. Theo thống kê chính thức, năm 2019 chỉ có 9 nước trong khu vực ghi nhận tăng trưởng về vốn FDI, trong đó đứng đầu là Brazil, Mexico và Colombia, trong khi 17 nước còn lại đều có sự suy giảm.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng ở khu vực, cũng như sự thay đổi về chiến lược doanh nghiệp ở nhiều nước, quí 3/2020 ghi nhận mức suy giảm vốn FDI lớn nhất, trong đó Peru giảm tới 72% và Colombia là 50%.
Sự đặt cược của Mỹ Latinh và Caribe trong thập kỷ qua để thu hút vốn FDI vào lĩnh vực chính của nền kinh tế là sản xuất nguyên liệu thô không còn đủ để duy trì dòng vốn. Kết thúc giai đoạn 2010-2019, châu Âu tiếp tục củng cố vị thế là nhà đầu tư vốn FDI lớn nhất vào Mỹ Latinh, tiếp đến là Mỹ và lĩnh vực được các nhà đầu tư quan tâm nhất trong những năm vừa qua là năng lượng tái tạo.