Trao đổi với báo giới tại hội nghị thượng đỉnh của lãnh đạo các nước thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tại thủ đô Brussels (Bỉ), Thủ tướng Mitsotakis cho biết Hy Lạp sẽ có cơ hội thảo luận về cách thức mà Chính phủ Italy có thể hỗ trợ khởi động lại các tuyến đường sắt của Hy Lạp một cách tích cực và thực chất hơn. Theo ông Mitsotakis, người đồng cấp Italy Giorgia Meloni đã nhận lời tham gia các cuộc thảo luận với phía Hy Lạp ở thủ đô Athens trước cuộc tổng tuyển cử ở Hy Lạp vào tháng 5 tới.
Thủ tướng Mitsotakis bày tỏ tin tưởng hai nước có thể cùng nhau tạo ra tương lai mới cho ngành đường sắt, theo đó công ty Italy sẽ đầu tư nhiều hơn vào "các chuyến tàu đáng tin cậy, an toàn hơn và nhanh hơn" và Hy Lạp "sẽ đầu tư nhiều hơn vào mạng lưới cũng như vấn đề an toàn".
Hy Lạp giao tư nhân quản lý các tuyến tàu liên tỉnh từ năm 2017, khi nhà điều hành dịch vụ giao thông đường sắt Hy Lạp thuộc sở hữu nhà nước TrainOSE được tư nhân hóa và bán cho công ty Ferrovie dello Stato Italiane của Italy, trở thành công ty điều hành đường sắt Hellenic Train. Công ty nhà nước Hy Lạp OSE vẫn sở hữu các đường ray.
Vấn đề tăng cường an toàn giao thông đường sắt đang rất được chú ý tại Hy Lạp sau vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng hôm 28/2, khi một đoàn tàu chở 350 hành khách trong hành trình di chuyển từ thủ đô Athens đến thành phố Thessaloniki đã đâm trực diện vào một tàu chở hàng từ Thessaloniki đến thành phố Larissa. Vụ tai nạn khiến 57 người thiệt mạng, trong đó đa số nạn nhân là sinh viên đại học trở lại trường sau kỳ nghỉ cuối tuần. Thảm kịch này đã châm ngòi cho các cuộc đình công và biểu tình trên khắp Hy Lạp liên quan đến đảm bảo an toàn cho các chuyến tàu, tạo áp lực lên chính phủ của Thủ tướng Mitsotakis trước thềm cuộc bầu cử vào tháng 5 tới. Bộ trưởng Giao thông Hy Lạp Kostas Karamanlis đã từ chức trong khi quản lý nhà ga tại thành phố Larissa, người đang làm nhiệm vụ vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn, và ba quan chức đường sắt khác đã bị buộc tội, có thể đối mặt với án tù chung thân.