Theo đài Sputnik, tại cuộc họp của các bộ trưởng tài chính EU ngày 6/12, Bộ trưởng Tài chính Hungary Mihaly Varga đã chặn gói vay ưu đãi trị giá 18 tỷ euro của khối dành cho Ukraine.
“Như chúng ta đã nói trước đó, Hungary không ủng hộ việc sửa đổi quy định tài chính", ông Varga cho biết tại cuộc họp, cắt ngắn cuộc tranh luận về vấn đề này.
Hungary đã duy trì lập trường cứng rắn đối với Ukraine trong suốt cuộc khủng hoảng hiện nay do mối quan hệ khó khăn với Kiev. Hai bên đã rơi vào tranh cãi kéo dài kể từ cuộc đảo chính ở Ukraine năm 2014, đưa một chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc lên nắm quyền, bị Budapest cáo buộc là phân biệt đối xử với người dân tộc Hungary thiểu số.
Cuộc họp trên cũng bao gồm các cuộc thảo luận về tranh cãi pháp lý đang diễn ra giữa Brussels và Budapest, theo đó EU đã đe dọa đình chỉ khoản tiền trị giá 7,5 tỷ euro đã cam kết với Hungary do nước này không thông qua một loạt cải cách gồm 17 điểm. cũng như áp mức thuế cố định toàn cầu 15% mới đối với các tập đoàn lớn. Hungary và phần còn lại của EU đã không đồng ý về bất kỳ vấn đề nào trong số này tại cuộc họp nói trên.
Về vấn đề Ukraine, các quan chức Hungary trước đây đã chỉ ra rằng Budapest muốn các quốc gia cung cấp hỗ trợ cho Kiev trên cơ sở song phương, chứ không phải một cơ chế toàn EU, qua đó hỗ trợ tài chính mới sẽ được cung cấp thông qua phát hành nợ.
“Chúng tôi không thể thông qua gói viện trợ, nhưng chúng tôi sẽ không bỏ cuộc. Mục tiêu của chúng tôi vẫn là bắt đầu hỗ trợ Ukraine vào đầu tháng 1", Bộ trưởng Tài chính Séc Zbynek Stanjura cho biết sau khi Hungary chặn khoản viện trợ 18 tỷ euro được đề xuất.
“Cuối cùng, một thỏa thuận đã được đề ra về các công thức cho phép triển khai các quỹ cho Ukraine một cách linh hoạt và nhanh chóng mà không làm thay đổi cơ bản cách EU quản lý các quỹ của mình. Tôi nói là thỏa thuận, nhưng trên thực tế, thỏa thuận đó vẫn là 'âm 1'”, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế và Tài chính Hội đồng châu Âu Tuomas Saarenheimo phàn nàn.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis khẳng định: “Ukraine là một quốc gia đang có chiến tranh, họ rất cần sự hỗ trợ của chúng tôi và chúng tôi không thể cho phép một quốc gia thành viên nào trì hoãn và phá hỏng sự hỗ trợ tài chính này của EU. Chúng tôi phải cung cấp nó, bằng cách này hay cách khác, và chúng tôi sẽ làm được.”
Chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban đã nhiều lần thể hiện sự quyết đoán với Brussels về một loạt các vấn đề chính sách đối nội và đối ngoại, từ vấn đề nhập cư đến sự khoan dung đối với các tổ chức "xã hội dân sự" hoạt động ở Hungary. Trong cuộc khủng hoảng Ukraine, Hungary đã từ chối giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga cũng như từ chối cho phép NATO gửi thiết bị quân sự đến Ukraine thông qua lãnh thổ của mình.
Cách tiếp cận của Budapest đối với cuộc khủng hoảng xuất phát một phần từ việc họ chỉ trích cách đối xử của các chính phủ liên tiếp ở Ukraine đối với cộng đồng hơn 156.000 người dân tộc Hungary sống ở phía tây nam Ukraine, gần biên giới với Hungary. Budapest cho rằng cộng đồng này đã phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và bị tước quyền nhận một nền giáo dục bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ.
Ngày 6/12, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã kêu gọi xem xét lại các biện pháp trừng phạt chống Nga, nói rằng cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu sẽ phải được giải quyết “nhanh chóng” để ngăn chặn nguy cơ các cơ sở công nghiệp của châu Âu biến mất.