Đằng sau việc hệ thống tên lửa HIMARS Mỹ cung cấp cho Ukraine không thể bắn quá 80km

Washington đã "bí mật sửa đổi" các hệ thống tên lửa phóng loạt (HIMARS) trước khi gửi cho Ukraine, để Kiev không thể phóng tên lửa tầm xa hơn.

Chú thích ảnh
Hệ thống HIMARS phóng tên lửa trong một cuộc tập trận ở Maroc ngày 30/6/2022. Ảnh tư liệu: AFP

Tờ Wall Street Journal dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên đã hé lộ thông tin trên vào hôm 5/12. Theo đó, Mỹ đã gửi cho Ukraine tổng cộng 20 bệ phóng HIMARS kể từ tháng 6, cùng với một số tên lửa dẫn đường phóng loạt (GMLRS) và phương tiện hỗ trợ. GMLRS có tầm bắn gần 80 km.

Sau đó, nhiều nhà hoạt động đã kêu gọi Mỹ cung cấp cho Ukraine tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) có tầm bắn hơn 300 km. Tuy nhiên, đến nay Washington vẫn từ chối gửi loại tên lửa này cho Kiev. Theo các chuyên gia phân tích, ngay cả khi Nhà Trắng thay đổi ý định hoặc Kiev sở hữu ATACMS hay các tên lửa tầm xa tương tự từ các nhà viện trợ khác, thì chúng cũng sẽ không thể hoạt động tương tích với hệ thống HIMARS hiện có.

Quan chức giấu tên cho biết các hệ thống được gửi đến Ukraine đã được sửa đổi phần cứng và phần mềm. Quân đội Ukraine và Lầu Năm Góc từ chối bình luận về vấn đề này do còn “cân nhắc về vấn đề bảo mật hoạt động”.

Theo WSJ, những sửa đổi này “phản ánh mối lo ngại của giới chức Mỹ rằng đối tác Ukraine có thể phá bỏ cam kết không tấn công vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí do Mỹ cung cấp”, cũng như mong muốn của Chính quyền Tổng thống Joe Biden là “giảm thiểu rủi ro xảy ra cuộc chiến rộng lớn hơn” với Nga.

Về phần mình, Moskva liên tục cảnh báo Washington rằng việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine có nguy cơ vượt “lằn ranh đỏ” của Moskva, gây xung đột trực diện với Mỹ và Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Mỹ và các đồng minh khẳng định họ không tham gia vào cuộc xung đột, song vẫn trang bị vũ khí cho Kiev.

Hồi tháng 6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng Washington đã nhận được đảm bảo từ Kiev rằng sẽ không sử dụng HIMARS “để chống lại các mục tiêu trên lãnh thổ Nga”, đồng thời khẳng định “mối quan hệ tin cậy mạnh mẽ giữa Ukraine - Mỹ, cũng như các đồng minh và đối tác”.

Tuy nhiên, đến tháng 9, ông Blinken tuyên bố Mỹ không coi Crimea và 4 khu vực vừa bỏ phiếu sáp nhập vào Nga - gồm Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk, Lugansk, vùng Kherson và Zaporozhye - là lãnh thổ Nga. Ông cho rằng đây là các mục tiêu hợp pháp nếu Ukraine sử dụng vũ khí do Lầu Năm Góc cung cấp.

Tiết lộ về việc chỉnh sửa hệ thống HIMARS cũng mâu thuẫn với tuyên bố của đặc phái viên Washington tại Kiev, ông Bridget Brink. Hồi tháng 6, ông Brink cho rằng quyết định về phạm vi hoạt động của các hệ thống HIMARS sẽ “tùy thuộc vào phía Ukraine”.

Trước đó, một chỉ huy quân sự Nga giấu tên cho biết các hệ thống phòng không của Nga giờ đây không còn gặp trở ngại trong việc phát hiện và tiêu diệt tên lửa phóng từ hệ thống HIMARS nhờ phần mềm mới. “Giờ đây, Nga sẽ không gặp vấn đề gì trong việc phát hiện, theo dõi và tiêu diệt tên lửa phóng từ hệ thống HIMARS”, vị chỉ huy giấu tên nói đồng thời cho biết thêm rằng đơn vị của ông đã bắn hạ khoảng 10 tên lửa phóng đi từ hệ thống HIMARS, trong đó 4 tên lửa đã bị bắn hạ trong tháng trước.

Hải Vân/Báo Tin tức
Lý do 2 căn cứ không quân chiến lược của Nga trở thành mục tiêu tấn công của UAV
Lý do 2 căn cứ không quân chiến lược của Nga trở thành mục tiêu tấn công của UAV

Các vụ nổ tại căn cứ không quân Engels-2 và Dyagilevo ngày 5/12, nếu được xác nhận là do Ukraine thực hiện, sẽ đánh dấu cuộc tấn công vào sâu lãnh thổ Nga nhất từ trước đến nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN