Nghị quyết trên có tên gọi “Thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người và các quyền tự do cơ bản của người châu Phi và người gốc Phi trước việc sử dụng bạo lực thái quá và những hành động vi phạm nhân quyền khác của các nhân viên thực thi pháp luật, bằng cách thay đổi để đảm bảo sự công bằng và bình đẳng chủng tộc”.
Nghị quyết nhắc lại vụ công dân da màu George Floyd bị sát hại tại Mỹ hồi tháng 5/2020, đồng thời nhấn mạnh vụ việc này khiến dư luận thế giới chú ý đến tội ác do nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống gây ra và thúc đẩy những nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề toàn cầu này tại Mỹ cũng như trên thế giới.
Nghị quyết cũng lưu ý tình trạng buôn bán nô lệ qua Đại Tây Dương là nguồn gốc và biểu hiện chính của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, kỳ thị chủng tộc và bài ngoại. Những người châu Phi và người gốc Phi, người châu Á và người gốc Á cùng những người dân bản địa là nạn nhân của những hành vi này.
Theo nghị quyết trên, một cơ chế chuyên gia độc lập quốc tế, gồm 3 chuyên gia về quyền con người và thực thi pháp luật, sẽ được thành lập để điều tra phản ứng của chính phủ các nước đối với những cuộc tuần hành phản đối nạn phân biệt chủng tộc và các hành động vi phạm luật quốc tế về quyền con người, cũng như thúc đẩy trách nhiệm và bồi thường cho các nạn nhân.
Khóa họp lần thứ 47 của Hội đồng nhân quyền LHQ dự kiến kéo dài 4 tuần, từ ngày 21/6 đến hết ngày 15/7 (dài hơn so với các khóa họp tháng 6 hàng năm) do nhiều cơ chế nhân quyền mới được thành lập, các phiên đối thoại và phiên thảo luận chuyên đề gia tăng đáng kể so với trước đây. Tham dự khóa họp chủ yếu diễn ra theo hình thức trực tuyến này có đại diện 47 nước thành viên và hơn 100 nước quan sát viên, các tổ chức quốc tế liên chính phủ và các tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Geneva.