Theo tờ Vox, bạo lực diễn ra nhiều tuần qua ở Jerusalem, bắt nguồn từ việc Israel tìm cách trục xuất một số gia đình người Palestine ra khỏi nhà ở khu vực Sheikh Jarrah thuộc Đông Jerusalem. Phe Dân chủ, các nhà hoạt động và chuyên gia đã kêu gọi Tổng thống Biden lên án mạnh mẽ hành động của Israel.
Vấn đề nằm ở chỗ Tổng thống Biden và các quan chức hàng đầu trong chính quyền của ông dường như không có hành động gì. Họ có thể bỏ lỡ cơ hội để chấm dứt bạo lực và đảo ngược cuộc xung đột trên diện rộng.
Bạo lực bùng phát
Suốt nhiều chục năm qua, các tổ chức ủng hộ người định cư Israel đã muốn đẩy người Palestine ở Đông Jerusalem ra khỏi nhà, phá dỡ nơi ở của họ và thay thế bằng hàng trăm căn nhà cho người Do Thái.
Vấn đề này là nguồn cơn gây căng thẳng âm ỉ. Sự giận dữ ngày càng tăng hồi tháng 4 khi nhiều vụ trục xuất tiếp tục bị đưa ra tòa án Israel, khiến cảnh sát Israel tăng cường hiện diện khắp thành phố và đụng độ với người biểu tình Palestine.
Tình trạng bế tắc này đã gây ra nhiều sự cố rắc rối. Ngày 8/5, cảnh sát Israel chặn xe buýt chở người Palestine đi cầu nguyện tại đền thờ Hồi giáo al-Aqsa, khu vực linh thiêng thứ ba của người Hồi giáo. Bạo lực bùng phát mạnh vào ngày 10/5.
Xem hệ thống "Vòm sắt" của Israel đánh chặn rocket phóng từ Gaza (nguồn: Daily Mail):
Người Israel theo tư tưởng cực hữu đã lên kế hoạch tuần hành qua khu vực của người Hồi giáo ở Thành Cổ thuộc Jerusalem, động thái gây hấn thường niên nhằm kỷ niệm sự kiện Israel chiếm Đông Jerusalem trong chiến tranh Arab-Israel năm 1967.
Tại cuộc tuần hành, xung đột căng thẳng đã xảy ra giữa người Palestine và giới chức Israel. Sáng 10/5 tại đền thờ al-Aqsa, người Palestine ném đá về phía cảnh sát Israel và bị đáp trả bằng đạn cao su và lựu đạn gây choáng. Khoảng 300 người Palestine đã bị thương và 250 người phải nhập viện.
Sau đó, tới chiều 10/5, phong trào Hồi giáo Hamas, lực lượng kiểm soát Gaza từ năm 2007, đã nã 7 quả rocket vào Israel. Quốc hội Israel đã phải sơ tán khi đang họp giữa chừng.
Xung đột căng thẳng hơn trong hai ngày gần đây. Tối 11/5, Hamas cho biết đã phóng 130 quả rocket vào thành phố Tel Aviv và khu vực miền Trung của Israel nhằm đáp trả đợt không kích trước đó của quân đội Israel nhằm vào các tòa nhà dân sự cao tầng. Vụ tấn công đã khiến Israel phải kích hoạt hệ thống đánh chặn và báo động tại tất cả các khu vực nơi có đạn pháo hướng tới.
Nhóm vũ trang Hồi giáo Jihad của Palestine ở Dải Gaza ngày 12/5 tuyên bố đã bắn 100 quả rocket vào Israel.
Ngày 12/5, quân đội Israel cho biết các cuộc không kích của lực lượng này nhằm vào Dải Gaza đã đánh trúng nơi ở của các thành viên cấp cao Hamas.
Phát ngôn viên của Hamas, Abu Obeida, cho biết Hamas nã rocket để đáp trả những hành vi gây hấn và tội ác của Israel. Ông nói: “Đây là thông điệp mà kẻ thù phải hiểu rõ”.
Mặc dù Hamas thường nã rocket rải rác vào Israel và bị Israel không kích đáp trả, nhưng căng thẳng hiện nay khiến một số người lo có thể châm ngòi cho xung đột lớn hơn.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahhu cáo buộc Hamas vượt “lằn ranh đỏ” và cam kết đáp trả: “Ai tấn công chúng tôi sẽ trả giá đắt”.
Phép thử với ông Biden
Về phần mình, chính quyền Mỹ cho biết quan ngại về bạo lực ở Israel và coi các vụ nã rocket của Hamas là leo thang không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, một số người đang kêu gọi ông Biden có quan điểm mạnh mẽ hơn và chỉ trích hành động của Israel ở Đông Jerusalem.
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, điều này có thể không xảy ra khi mà chỉ trích Israel có cái giá về mặt chính trị quá lớn so với lợi ích của việc đi theo chính sách đối ngoại với trọng tâm là nhân quyền mà ông Biden đặt ra.
Hồi tháng 2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết chính quyền của ông Biden sẽ đặt nhân quyền vào trung tâm chính sách đối ngoại. Ông nói: “Mỹ cam kết hướng tới thế giới mà nhân quyền được bảo vệ, người bảo vệ nhân quyền được coi trọng, còn người vi phạm nhân quyền phải chịu trách nhiệm”.
Ông Shibley Telhami, Giáo sư tại Đại học Maryland, nói: “Thế giới đang dõi theo. Vấn đề này quan trọng. Chính quyền Mỹ cần thể hiện rằng không chỉ nói suông. Họ phải thể hiện nguyên tắc này trong tình huống khó khăn, chứ không phải trong tình huống không phải trả giá về chính trị”.
Mỹ đã có tuyên bố về vấn đề này. Ngày 7/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price nói: “Chúng tôi kêu gọi giới chức Israel và Palestine hành động quyết liệt để giảm căng thẳng, ngừng bạo lực”. Hai ngày sau, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đã gọi điện cho người đồng cấp Israel, bày tỏ quan ngại sâu sắc về các diễn biến ở Jerusalem.
Tuy nhiên, chừng đó phản ứng thì quá ít ỏi với nhiều người. Họ muốn ông Biden, hay ít nhất là ông Blinken và Sullivan, phải lên án hành vi của Israel trước ống kính truyền hình.
Tổ chức J Street ra tuyên bố kêu gọi Mỹ nói công khai, rõ ràng rằng Israel nỗ lực trục xuất các gia đình Palestine khỏi Đông Jerusalem và Bờ Tây là hoàn toàn không thể chấp nhận được với Mỹ, khi mà Israel tiếp tục dùng hành vi bắt nạt và bạo lực quá mức với người Palestine, đặc biệt là trong tháng lễ Ramadan.
Một số nghị sĩ Dân chủ cũng gây áp lực với ông Biden. Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen, thành viên Ủy ban Quan hệ Đối ngoại của Thượng viện, đăng lên Twitter ngày 8/5: “Nếu chính quyền của ông Biden đặt pháp trị và nhân quyền vào trọng tâm chính sách đối ngoại, thì đây không phải là lúc có những tuyên bố lãnh đạm như vậy”. Ông nói rằng cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc đã nói hành vi trục xuất của Israel có thể là tội ác chiến tranh.
Tới nay, ông Biden và các quan chức chủ chốt chưa công khai chỉ trích Israel mà lên án hành vi của cả hai bên. Giáo sư Telhami lý giải rằng ông Biden cần Israel ủng hộ để gia nhập lại thỏa thuận hạt nhân Iran và vấn đề Israel-Palestine không phải là mối quan tâm hàng đầu của người Mỹ.
Ông Khaled Elgindy tại Viện Trung Đông nhận định nếu Mỹ định lên án chính phủ Israel mạnh mẽ thì Mỹ đã làm rồi.
Các chuyên gia cho rằng có những cách khác mà Mỹ có thể phản đối Israel, ví dụ như trừng phạt hoặc hạn chế bán vũ khí, nhưng không chuyên gia nào cho rằng Mỹ sẽ hành động như vậy. Ông Elgindy nói: “Khi nói tới việc Mỹ bảo vệ nhân quyền, Palestine là một ngoại lệ. Ai sẽ trừng phạt Israel vì vi phạm nhân quyền? Sẽ không phải là Mỹ”.
Khi không có hành động gì thì tình hình có thể nhanh chóng leo thang, giống như năm 2014. Khi đó, xung đột giữa Israel và Hamas đã khiến 2.100 người Palestine và 71 người Israel thiệt mạng, 10.000 người bị thương.
Nếu điều đó xảy ra, Mỹ sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải can dự. Điều trớ trêu là có thể ông Biden sẽ phải can thiệp sâu hơn vào xung đột trên nếu không chọn không hành động gì lúc này.
Trong khi đó, Israel cho thấy không có dấu hiệu lùi bước. Đại sứ Israel tại Mỹ Gilad Erdan nói: “Israel không có lựa chọn nào ngoài việc bảo vệ người dân từ các vụ tấn công vô tội vạ”. Còn Hamas cũng không có ý định chịu thua. Ông Obeida nói sẽ có nhiều vụ tấn công từ Hamas nếu Israel vào khu vực đền thờ al-Aqsa lần nữa hoặc trục xuất người Palestine.