Bức xúc dồn nén
Hãng thông tấn AP (Mỹ) đưa tin rằng trong nhiều tuần, người biểu tình Palestine và cảnh sát Israel đã đụng độ bên trong và xung quanh Thành Cổ Jerusalem - vốn là địa điểm linh thiêng với cả cộng đồng người Hồi giáo, người Do Thái và Cơ Đốc giáo.
Trong một thế kỷ qua, Jerusalem là nơi chứng kiến chạm trán giữa người Do Thái và Arab. Israel tự coi Jerusalem là thủ đô và kiểm soát phía Đông của thành phố này cũng như Bờ Tây và Dải Gaza sau cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967. Ở thời điểm đó, cộng đồng quốc tế đã không công nhận hành động của Israel. Còn người Palestine vẫn mong muốn những khu vực này sẽ thuộc về nhà nước tương lai của họ, với Đông Jerusalem là thủ đô.
Cách đây một tháng, chính phủ Israel đã cản trở một số cuộc tụ tập của người Palestine tại Jerusalem vào giai đoạn đầu lễ Ramadan. Sau khi lệnh hạn chế tụ tập được nới lỏng, căng thẳng tiếp tục xảy ra liên quan đến kế hoạch đưa hàng chục gia đình Palestine ra khỏi khu dân cư Sheikh Jarrah ở Đông Jerusalem.
Những người Do Thái sinh ra tại Đông Jerusalem được coi là công dân Israel trong khi người Palestine tại khu vực này chỉ được cấp loại giấy tờ coi họ là cư dân thường trú và điều này hoàn toàn có thể thay đổi nếu họ sinh sống ở nơi khác trong một thời gian. Những người Palestine tại Đông Jerusalem có thể đăng ký trở thành công dân Israel nhưng quá trình này rất dài dòng và không chắc chắn. Phần đông họ không lựa chọn điều này bởi vốn không chấp nhận sự kiểm soát của Israel.
Ngoài ra, Israel còn xây dựng khu định cư của người Do Thái tại Đông Jerusalem với 220.000 người. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu sinh sống của người Palestine, dẫn đến việc quá tải và hàng nghìn căn nhà không được cấp phép xây dựng mọc lên, đối mặt với nguy cơ bị dỡ bỏ.
Vào ngày 10/5, Israel tổ chức kỷ niệm Ngày Jerusalem để chào mừng việc sáp nhập thành phố này. Và xung đột đã xảy ra giữa cảnh sát Israel cùng người biểu tình Palestine quanh Thánh đường Al-Aqsa. Hàng trăm người Palestine bị thương trong xung đột giữa người biểu tình và cảnh sát Israel. Người biểu tình đã ném đá trong khi phía cảnh sát sử dụng hơi cay và đạn cao su.
Ngày 11/5, phong trào Hamas từ Dải Gaza bắn tên lửa nhằm vào Israel. Ngay ngày hôm sau 12/5, Israel đã không kích nhằm vào nhiều mục tiêu tại Dải Gaza. Bạo lực khiến 35 người Palestine, 5 người Israel thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.
Khoảng trống từ giới lãnh đạo
Theo NBC News, một trong những lý do căn bản khác khiến bạo lực tái bùng phát giữa Israel và Palestine là khoảng trống quyền lực trong giới lãnh đạo hai bên.
Ở thời điểm này, khi các chính khách Israel đang tập trung vào bảo vệ cho vị trí của họ thì những thành phần cực đoan đã lợi dụng để kích động thù hằn. Sau 5 nhiệm kỳ, Thủ tướng tại vị lâu nhất của Israel Benjamin Netanyahu đang đứng trước nguy cơ bị thay thể bởi liên minh chính trị với một lãnh đạo ôn hòa.
Nhưng sự việc tương tự từng tạo lợi thế cho ông Netanyahu. Năm 1996, ông Netanyahu là một ứng viên không mấy nổi bật trong đảng Likud. Khi đó xảy ra một làn sóng tấn công khiến Israel chấn động trong 3 tháng trước bầu cử. Ông Netanyahu đưa ra khẩu hiệu tranh cử “hòa bình kèm an ninh” và phác họa bản thân là ứng viên duy nhất có thể xử lý mạnh mẽ khủng bố. Điều này đã góp phần vào chiến thắng năm 1996 của ông.
Về phần Palestine, phong trào Hamas chưa thể tạo được đối trọng với Tổng thống Mahmoud Abbas trong bầu cử do vậy có thể đã “thử lửa” quyền lực bằng những “phương tiện” khác như bạo lực.