Phóng viên TTXVN tại LHQ dẫn các nguồn tin ngoại giao cho hay sau HĐBA sẽ ra nghị quyết về vấn đề này. Các thành viên HĐBA hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn giữa Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) và lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Libya, vừa được ký ở Geneva (Thụy Sĩ) dưới sự bảo trợ của LHQ.
HĐBA kêu gọi các bên quyết tâm đạt được giải pháp chính trị cho Libya trong cuộc họp dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 9/11 tại Tunisia. Trong tuyên bố ngày 27/10, HĐBA nhấn mạnh các lực lượng tại Libya cũng như các nước có can thiệp vào cuộc chiến ở Libya phải tuân thủ lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với Libya, hiện đang vẫn đang có hiệu lực. HĐBA cũng đồng thời yêu cầu các nước bên ngoài không tiếp tục can thiệp vào công việc nội bộ của Libya.
Sau khi rơi vào một cuộc nội chiến phức tạp kể từ năm 2011, tại Libya hình thành hai lực lượng chính, với một bên là GNA được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ và LHQ công nhận, với một bên là LNA của tướng Khalifa Haftar do Các Tiểu vương quốc Arab (UAE), Ai Cập và Nga hậu thuẫn. Thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn cho Libya đạt được tại Geneva ngày 23/10 vừa qua sau 5 ngày đàm phán với LHQ đóng vai trò trung gian. LHQ tuyên bố thỏa thuận này là “bước ngoặt” đối với đất nước Bắc Phi vốn đã hứng chịu những hậu quả nặng nề do chiến tranh kéo dài.
Bên cạnh lệnh ngừng bắn kể trên, tình hình tại Libya thời gian qua ghi nhận nhiều tiến triển tích cực như việc chấm dứt lệnh phong tỏa các cơ sở khai thác dầu mỏ, mở cửa trở lại các tuyến đường giao thông nội địa hay việc các đại diện phe phái tham gia nhiều hơn vào tiến trình chính trị tại Libya. Cũng trong ngày 27/10, Đại diện đặc biệt của LHQ về vấn đề Libya, bà Stephanie Williams bày tỏ hy vọng tiếp sau những tín hiệu tích cực và lạc quan kể trên, các cuộc đàm phán chính trị sắp tới sẽ giúp ấn định ngày diễn ra các cuộc bầu cử ở đất nước Bắc Phi này.
Theo đại diện của LHQ, Libya cần có một trọng tâm rõ ràng là chuẩn bị cho các cuộc bầu cử quốc gia trong thời gian sớm nhất có thể. Bà Williams nhấn mạnh điều quan trọng phải đảm bảo cuộc đối thoại không chỉ có các lực lượng chính trị liên quan tại Libya tham gia mà còn có đại diện các thành phần xã hội khác tại nước này. Quan chức LHQ kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc đẩy các phe phái tại Libya tận dụng cơ hội rất tích cực này.
Trước đó, đại diện các tầng lớp dân cư, sắc tộc tại Libya đã bắt đầu tham gia cuộc đối thoại chính trị diễn ra dưới hình thức trực tuyến, đánh dấu một bước tiến quan trọng hướng tới tổ chức cuộc tổng tuyển cử. Phái bộ Hỗ trợ của LHQ tại Libya (UNSMIL) cho biết tham gia đối thoại có 75 người, trong đó có đại diện của hai nghị viện đối địch, những nhà hoạt động xã hội và đại diện nữ giới.
Các đại biểu đến từ nhiều đơn vị bầu cử khác nhau, đảm bảo đại diện cho tất cả các thành phần trong xã hội, công bằng về vị trí địa lý, sắc tộc, chính trị và xã hội. Tuy nhiên, các quan chức cấp cao không tham gia đối thoại lần này. Theo UNSMIL, các cuộc đối thoại chính trị hiện do LHQ làm trung gian sẽ mở đường cho Diễn đàn Đối thoại chính trị Libya diễn ra ngày 9/11 tới tại thủ đô Tunis (Tunisia).