Trao đổi với báo giới, người phát ngôn của EC về chính sách đối ngoại Peter Sano nhận định: "Thỏa thuận ngừng bắn lâu dài là chìa khóa để nối lại đối thoại chính trị (tại Libya)". Ông Sano cũng cho rằng điều quan trọng là thỏa thuận này phải được đưa vào thực thi.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của thỏa thuận ngừng bắn tại Libya. Phát biểu với báo giới, Tổng thống Erdogan cho rằng thỏa thuận này chưa được nhất trí ở mức cao nhất và thiếu "sự tin cậy". Tuy nhiên, ông bày tỏ hy vọng thỏa thuận sẽ mang lại lợi ích cho các bên tại Libya.
Trước đó, cùng ngày, hai phe phái xung đột ở Libya đã ký thỏa thuận ngừng bắn lâu dài sau 5 ngày đàm phán tại Geneva (Thụy Sĩ). Trong thông báo trên mạng xã hội Facebook, Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc (LHQ) tại Libya nêu rõ: "Cuộc đàm phán giữa Ủy ban Quân sự chung Libya (JMC) 5 + 5 tại Geneva ngày 23/10 đã đi đến kết thúc với việc đạt được thành tựu lịch sử khi các bên tại Libya đạt được thỏa thuận ngừng bắn lâu dài trên toàn lãnh thổ Libya. Thành tựu này là một bước ngoặt quan trọng hướng tới hòa bình và ổn định".
Thỏa thuận trên đạt được sau các cuộc đàm phán giữa đại diện quân sự của Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế ủng hộ và đại diện của lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đặt trụ sở ở miền Đông nước này.
Xung đột tại Libya tiếp tục là một trong những cuộc xung đột vũ trang phức tạp nhất trên thế giới hiện nay. Từ năm 2014, tại Libya tồn tại hai chính quyền song song với sự hậu thuẫn của các lực lượng vũ trang riêng. GNA kiểm soát thủ đô Tripoli, nhận được sự ủng hộ của LHQ, Qatar và các nhóm vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, LNA hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông, được Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập ủng hộ.
Theo LHQ, trong 6 tháng đầu năm 2020, trên 350 dân thường đã thiệt mạng hoặc bị thương trong các cuộc giao tranh tại Libya, tăng 173% so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, trên 400.000 người bị mất nhà cửa kể từ tháng 4/2019.