Hậu bầu cử Nga: Tin tưởng và kỳ vọng

Đúng như dự đoán, trong cuộc bầu cử tổng thống Nga ngày 4/3, đương kim Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã được phần lớn cử tri Nga trao gửi niềm tin, bởi họ đều kỳ vọng chính khách lão luyện này có khả năng duy trì được trật tự xã hội, mang lại đời sống thịnh vượng cho người dân và không ngừng nâng tầm vị thế của Nga trên trường quốc tế.

Kết quả kiểm phiếu được Ủy ban bầu cử trung ương Nga (SIK) công bố ngày 5/3 cho thấy, ông Putin giành chiến thắng ngay từ vòng một với gần 64% số phiếu bầu; Chủ tịch Đảng Cộng sản liên bang Nga (KPRF) Gennady Zhuganov nhận được 17,19% số phiếu ủng hộ. Tỷ lệ ủng hộ các ứng cử viên còn lại lần lượt là tỷ phú Mikhail Prokhorov 7,82%; Chủ tịch Đảng Dân chủ - Tự do (LDP) Vladimir Zhirinovski 6,23%; Chủ tịch Đảng nước Nga công bằng (SR) Sergei Mironov 3,84%. Như vậy, Thủ tướng Putin sẽ chính thức nhậm chức tổng thống mới của LB Nga vào đầu tháng 5 tới trong nhiệm kỳ thứ ba, kéo dài 6 năm, với một loạt nhiệm vụ nặng nề, khó khăn đang chờ đợi ở phía trước, đặc biệt khi xã hội Nga đã có nhiều thay đổi so với những nhiệm kỳ trước của ông.

Cuộc bầu cử tổng thống lần này diễn ra trong bối cảnh sự phân hóa và căng thẳng trong xã hội Nga bị đẩy lên mức cao nhất trong vòng 20 năm qua, thể hiện rõ nhất qua các cuộc biểu tình qui mô lớn phản đối chính quyền sau cuộc bầu cử Đuma quốc gia Nga (Hạ viện) cuối năm ngoái, cũng như trong thời gian tranh cử trước bầu cử tổng thống. Sự hăng hái của người dân Nga trong các cuộc biểu tình khiến nhiều chính trị gia phương Tây công khai khẳng định nếu ông Putin đắc cử tổng thống với tỷ lệ phiếu ủng hộ cao thì phe đối lập Nga sẽ làm nên cái gọi là cuộc “cách mạng sắc màu” trên "xứ sở Bạch Dương".

Đương kim Thủ tướng Nga Vladimir Putin chính thức tái đắc cử Tổng thống Nga. Nguồn: Internet

 


Thậm chí, Thượng nghị sĩ Mỹ Jonh McCain còn đích thân viết thư báo tin cho ông Putin biết “Mùa Xuân Arập đã ập đến tận trung tâm Mátxcơva”. Trước cuộc bầu cử tổng thống, nhà chức trách Nga đã phát hiện những thông tin, video clip... được một số thế lực chuẩn bị trước nhằm buộc tội chính quyền gian lận trong bầu cử. Và ngay sau khi kết quả kiểm phiếu sơ bộ được công bố, phe đối lập đã tuyên bố rằng cuộc bầu cử "có gian lận trên quy mô rộng" và từ chối công nhận kết quả bầu cử, đồng thời tuyên bố sẽ tiến hành cuộc biểu tình rầm rộ nhất kể từ năm 2000 để phản đối ông Putin.

Tuy nhiên, giới quan sát quốc tế cho rằng dù nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ bên ngoài (cung cấp nguồn tài chính dồi dào hay tuyên truyền thông qua hệ thống truyền thông đại chúng hùng mạnh), song lực lượng đối lập ở Nga vẫn chưa đủ khả năng thực hiện kịch bản "Mùa Xuân Xlavơ”. Theo ông Sergei Neverov, Thư ký Đoàn Chủ tịch Đại hội đồng của đảng Nước Nga thống nhất, có hai lý do chính khiến một cuộc “cách mạng Tuyết” chưa thể xảy ra ở Nga vào thời điểm hiện tại. Thứ nhất, trong vòng hai thập kỷ qua, phe đối lập đã có sự trưởng thành nhất định, tuy nhiên họ luôn trong tình trạng “đồng sàng, dị mộng”.

Giữa các đảng phái luôn xảy ra mâu thuẫn và ít khi tìm được tiếng nói chung về các vấn đề quốc kế dân sinh. Do vậy, phần lớn người dân Nga sẽ không dám “đánh cược” lòng tin của mình vào lực lượng chính trị này bởi họ vốn trải qua thời kỳ khủng hoảng ở Nga những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, nên thấu hiểu hơn ai hết sự bất ổn chính trị sẽ khiến cuộc sống người dân khốn đốn như thế nào. Thứ hai, một thực tế hiển nhiên mà ngay cả phe đối lập cũng phải thừa nhận rằng ông Putin là người duy nhất trong cuộc bầu cử tổng thống đề ra chương trình tranh cử cụ thể, có kế hoạch chi tiết và dài hạn thực hiện những cam kết trước bầu cử. Hơn nữa, trong hai nhiệm kỳ tổng thống trước đó của mình, ông Putin đã vực dậy một nước Nga đổ nát, nên đa số người dân Nga coi ông là biểu tượng của sự “ổn định và phát triển”.

Khó khăn mà ông Putin phải đối mặt ngay sau khi đắc cử tổng thống là tìm ra những biện pháp cấp bách hữu hiệu để hạ nhiệt những cái “đầu nóng” và ngăn chặn âm mưu gây bất ổn tình hình đất nước, cũng như mọi hành động can thiệp từ bên ngoài vào công việc nội bộ của nước Nga.

Không chỉ “đau đầu” với bầu không khí chính trị căng thẳng hậu bầu cử, ông Putin còn phải đối mặt với không ít khó khăn trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt khi nền kinh tế thế giới vẫn trong tình trạng tăng trưởng èo uột. Tại Nga, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát đã lên tới mức 7 - 9%, số lượng người nghèo cũng tiếp tục tăng mạnh và phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn. Trong khi đó, lượng vốn nước ngoài ồ ạt rút khỏi thị trường Nga và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ đạt con số khiêm tốn. Hiện tượng chảy máu chất xám cũng đang có chiều hướng gia tăng đáng lo ngại. Rõ ràng, thử thách quan trọng đối với ông Putin khi trở lại Điện Cremli là làm thế nào để cải cách và hiện đại hóa một nền kinh tế đang lệ thuộc quá nặng nề vào xuất khẩu năng lượng.Bên cạnh đó, nạn tham nhũng đã len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống không chỉ làm giảm sút lòng tin của người dân đối với chính quyền, mà còn trở thành “sát thủ” số 1 hủy hoại nền kinh tế Nga.

Các thách thức kể trên cũng là những yếu tố then chốt quyết định sự thành bại của kế hoạch phát triển đất nước mà ông Putin dự định thực thi trong nhiệm kỳ tổng thống thứ ba của mình. Chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng, tham nhũng được đẩy lùi thì những cam kết nâng cao thu nhập, lương hưu, trợ cấp xã hội, hiện đại hóa quốc phòng,... cũng sẽ dễ dàng được thực hiện. Vì vậy, nếu ông Putin không có những biện pháp quyết liệt và triệt để giải quyết các vấn đề trên thì cam kết xây dựng một nước Nga thịnh vượng, hùng mạnh với vị thế ngày càng được nâng cao, có thể chỉ dừng lại ở lời nói.

Về đối ngoại, giới phân tích cho rằng ông Putin sẽ tiếp tục duy trì chính sách thận trọng, cân bằng các quan hệ trên cơ sở đảm bảo lợi ích quốc gia của Nga. Ông khẳng định rằng đã qua rồi thời kỳ nước Nga bị xem như đối tác yếu kém của phương Tây, và LB Nga cần phải trở thành cường quốc hùng mạnh để thực thi một chính sách đối ngoại độc lập trên thế giới. Theo ông, Nga trước sau như một phấn đấu và đấu tranh cho một trật tự thế giới mới đa cực, trên cơ sở nhận thức an ninh ngang nhau cho tất cả các nước và phối hợp hành động với nhau để đáp trả những nguy cơ và thách thức mới. Nga sẽ tích cực thực hiện chính sách củng cố sự ổn định và an ninh quốc tế, từ bỏ đối đầu, sẵn sàng góp phần giải quyết các vấn đề quốc tế phức tạp, thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước theo nguyên tắc cùng tôn trọng lẫn nhau.

Nhà lãnh đạo Nga cũng nhấn mạnh thách thức lớn nhất đối với an ninh quốc gia của Nga là Mỹ đang mưu đồ xem xét lại trật tự thế giới hiện nay theo hướng phục vụ các lợi ích của phương Tây, song Nga không chấp nhận mọi âm mưu của Mỹ và NATO nhằm sử dụng sức mạnh và giành quyền bá chủ thế giới. Tuy nhiên, Nga cũng sẵn sàng hợp tác và làm xích lại gần các lợi ích với các đối tác phương Tây.

Có lẽ do ý thức được những khó khăn và thách thức mà đất nước phải đối mặt trong những năm tới, nên người dân "xứ sở Bạch Dương" đã quyết định lựa chọn vị "thuyền trưởng" Putin. Một số nhà phân tích cho rằng dưới sự lãnh đạo của ông Putin, tương lai của nước Nga sẽ thể hiện “sức mạnh” khi cần thiết, và cũng sẽ thể hiện “sức hấp dẫn” đặc biệt hơn. Mọi điều còn ở phía trước, song kết quả cuộc bầu cử cho thấy người dân Nga đã phần nào thể hiện niềm tin tưởng và sự kỳ vọng đối với ông Putin. Đó sẽ là một động lực để vị tân tổng thống thực hiện những cam kết vì sự ổn định và phát triển của nước Nga.

TTXVN/ Tin Tức
Ông Putin chính thức tái đắc cử Tổng thống Nga
Ông Putin chính thức tái đắc cử Tổng thống Nga

Trưa 5/3, Chủ tịch Ủy ban bầu cử trung ương (SIK) Vladimir Churov tuyên bố, đương kim Thủ tướng Vladimir Putin, ứng cử viên tổng thống, đã đắc cử ngay trong vòng bỏ phiếu đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống Liên bang Nga diễn ra ngày 4/3.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN