Trẻ em Iraq chờ nhận bữa ăn từ thiện tại khu vực ngoại ô Hawija, Iraq. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngoài ra, 5 triệu trong tổng số 20 triệu trẻ em ở Iraq cần hỗ trợ nhân đạo, 3 triệu trẻ em không được đến trường và 1,2 triệu trẻ phải bỏ học.
Theo thống kê của LHQ, 1/4 trẻ em Iraq là đối tượng chịu ảnh hưởng của xung đột và nghèo đói. Theo các chuyên gia phân tích, trẻ em ở Iraq là những nạn nhân chính của những cuộc giao tranh, xung đột triền miên cũng như các lệnh trừng phạt mà quốc gia Trung Đông này phải gánh chịu.
Ông Mustafa Khatib, một nhà hoạt động xã hội ở Mosul (Iraq), đã dùng các từ “bơ vơ và đáng thương” khi mô tả về những điều kiện của nhiều trẻ em Iraq hiện nay. Ông Khatib cho biết: “Trẻ em là những nạn nhân lớn nhất của tình trạng bị chiến tranh tàn phá ở Iraq. Nhiều gia đình không thể cho con cái đến trường do điều kiện sống quá khắc khổ và đói nghèo. Họ không thể chi trả chi phí cho giáo dục ở mức tối thiểu, vốn cơ bản gần như miễn phí”.
Trong khi đó, ông Khalaf al-Hadidi, thành viên hội đồng tỉnh Nineveh, chỉ rõ: “Bạo lực và việc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn đã tước đi quyền được học hành và cuộc sống bình thường của trẻ em”. Theo ông Hadidi, có hơn 5.000 trẻ mồ côi ở Mosul, khoảng 6.000 trẻ không được đến trường ở các trại tị nạn Hammam al-Alil 1 và Hammam al-Alil 2. Ông Hadidi hối thúc chính quyền trung ương Iraq dành sự quan tâm, chú ý đặc biệt tới trẻ em nước này. Ông cảnh báo rằng “nếu không hành động nhanh chóng để bảo vệ những trẻ em này và gia đình các em, Iraq sẽ có một thế hệ tương lai mù chữ”.
Theo tuần báo “The Arab Weekly”, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã cảnh báo rằng trẻ em ở Iraq đã bị phơi nhiễm nhiều loại kim loại nặng và những chất độc thần kinh do các vụ nổ bom và các loại đạn dược được sử dụng trong các cuộc giao tranh. Các loại vũ khí không chỉ tiêu diệt các mục tiêu được nhắm tới mà còn làm ảnh hưởng tới sức khỏe của những người sống gần nơi bị tấn công.
Ngoài ra, các cơ sở hạ tầng cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường đã bị phá hủy do bom đạn và chưa được tu sửa, cùng với đó là hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém đã đặt sinh mạng của trẻ em Iraq vào tình thế nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao do bệnh tật. Theo số liệu của LHQ, từ tháng 1/2014-5/2017, đã có 1.075 trẻ em Iraq thiệt mạng và 1.130 trẻ bị thương tật hoặc bị thương. Ngoài ra, còn có 231 trẻ em được tuyển mộ để tham gia vào các cuộc giao tranh. Nhiều trẻ em ở Iraq đã lao động từ rất sớm để phụ giúp gia đình.
Trẻ em tại một trại tị nạn ở Khazir, Iraq. Ảnh: THX/TTXVN |
Theo các chuyên gia phân tích, mặc dù tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố quân đội nước này đã giành chiến thắng trước IS, nhưng những nguy cơ bất ổn và những mối đe dọa về an ninh vẫn hiện hữu tại quốc gia Trung Đông này. Hiện IS đang tăng cường các cuộc tấn công sau khi cái gọi là vương quốc Hồi giáo bị sụp đổ. Con đường tới trường của nhiều trẻ em Iraq cũng như quyền được sống trong những điều kiện bình thường như những trẻ em khác trên thế giới vẫn còn nhiều gian nan, vất vả.