Việc trả tự do cho các binh lính trẻ em là một dấu hiệu của hòa bình. Ảnh: aljazeera.com |
Phát biểu tại buổi lễ từ bỏ vũ khí ngày 7/2, Phó Tổng thống thứ nhất Nam Sudan Taban Deng Gai đã gọi việc trả tự do cho các binh lính trẻ em là một dấu hiệu của hòa bình.
Trong khi đó, theo Liên hợp quốc (LHQ), lễ từ bỏ vũ khí cho 87 em gái và 224 em trai này là bước đi đầu tiên trong tiến trình hướng tới việc giải phóng ít nhất 700 binh lính trẻ em trong các tuần tới. Người đứng đầu phái bộ LHQ tại Nam Sudan David Shearer nêu rõ việc hạ vũ khí và hòa nhập lại cuộc sống bình thường chỉ là khởi đầu của một cuộc hành trình. Tính đến thời điểm này, LHQ đã giải phóng được 2.000 binh lính trẻ em, trong đó hơn 10% số này là dưới 13 tuổi.
Các trẻ em nói trên sẽ đoàn tụ với gia đình và trợ cấp thực phẩm và hỗ trợ tâm lý trong 3 tháng, cùng với cơ hội được đến trường. Tuy nhiên, các tổ chức cứu trợ quan ngại rằng nếu không duy trì được hòa bình, bạo lực leo tháng khiến trẻ em buộc phải quay trở lại các nhóm vũ trang.
Nam Sudan rơi vào tình trạng bạo lực và bất ổn tháng 12/2013 sau khi tranh chấp chính trị giữa Tổng thống Salva Kiir và cựu Phó Tổng thống Riek Machar xảy ra, dẫn đến cuộc chiến giữa các chiến binh thuộc nhóm sắc tộc Dinka trung thành với Kiir chống lại nhóm sắc tộc Nuer ủng hộ ông Machar.
Xung đột và nội chiến kéo dài đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho người dân, làm bùng phát một cuộc khủng hoảng nhân đạo và khiến dòng người tìm kiếm tị nạn gia tăng nhanh nhất thế giới. Một thoả thuận hoà bình được ký kết hồi tháng 8/2015 giữa các nhà lãnh đạo đối lập dưới áp lực của LHQ, dẫn tới thành lập một chính phủ chuyển tiếp thống nhất tháng 4/2016. Tuy nhiên, thoả thuận ngừng bắn đã bị phá vỡ tháng 7/2016.
Một vòng đàm phán hòa bình mới đã bắt đầu vào tuần này tại quốc gia láng giềng Ethiopia.