Bất chấp các cảnh báo liên tục, hàng chục ngàn người Mỹ có thể vẫn không thể vào được Internet trong ngày 9/7/2012 nếu họ không nhanh chóng kiểm tra xem máy tính xem có bị cài một phần mềm độc từ cách đây hơn một năm hay không.
Người dùng máy tính có thể không vào được Internet ngày 9/7. Ảnh: Internet |
Phần mềm độc này đã tìm cách nhiễm vào các máy tính trên toàn cầu năm 2011. Nó hướng máy tính của người dùng kết nối với những trang web ít tin cậy để ăn cắp thông tin cá nhân và thông tin tài chính.
Cảnh báo về phần mềm độc trên đã được truyền đi trên Facebook và Google. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet cũng đã gửi thông báo còn Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã thành lập một trang web đặc biệt để xử lý vấn đề này.
Theo FBI, số máy tính có thể bị nhiễm phần mềm độc hại này có thể lên tới 277.000 trên toàn cầu. Mỹ có thể có 64.000 máy tính bị ảnh hưởng. Người sử dụng những máy tính vẫn bị nhiễm phần mềm độc hại vào ngày 9/7 sẽ phải nhờ đến nhà cung cấp mạng để truy tìm phần mềm này và kết nối lại với Internet.
Vấn đề này nảy sinh khi các hacker quốc tế thực hiện một âm mưu quảng cáo trực tuyến để kiểm soát hơn 570.000 máy tính bị nhiễm trên toàn thế giới. Khi FBI vào cuộc truy tìm các hacker này cuối năm 2011, họ phát hiện ra rằng nếu họ tắt máy chủ độc hại được dùng để kiểm soát máy tính, toàn bộ máy tính bị nhiễm sẽ mất khả năng truy cập Internet. Các máy chủ độc này dự kiến sẽ bị tắt vào ngày 9/7.
Để đối phó, FBI đã lập một lưới an toàn, lắp đặt hai máy chủ Internet sạch để kiểm soát các máy chủ độc hại nhằm giúp cho người dùng không đột ngột mất Internet. Phần lớn người dùng không biết máy tính của mình bị nhiễm phần mềm này, dù nó làm chậm tốc độ lướt web và vô hiệu hóa các phần mềm chống virus.
Theo ông Tom Grasso thuộc FBI, nhiều nhà cung cấp Internet đã sẵn sàng đối phó với vấn đề và có kế hoạch giúp khách hàng vào ngày 9/7 này.
Thùy Dương