Theo AstraZeneca, trong năm qua, lợi nhuận ròng của hãng đạt 3,2 tỷ USD, tăng 139% so với năm 2019. Kết quả này có được chủ yếu nhờ doanh thu thuốc điều trị ung thư tăng mạnh, trong đó thuốc Lynpanza và Tagrisso tăng tới 23%.
Giám đốc điều hành AstraZeneca Pascal Soriot cho biết mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, doanh thu của hãng vẫn tăng trưởng ở mức hai con số. Ông nhấn mạnh tiến bộ trong nghiên cứu, phát triển vaccine ngừa COVID-19 đã cho thấy những thành quả mà hãng có thể đạt được.
Trước đó một ngày, AstraZeneca công bố kế hoạch đẩy mạnh sản xuất vaccine ngừa COVID-19 trong quý II năm nay để đáp ứng nhu cầu của Liên minh châu Âu (EU). Cùng ngày, WHO khẳng định vaccine COVID-19 do hãng dược phẩm AstraZeneca phối hợp với trường Đại học Oxford của Anh phát triển có thể sử dụng đối với người trên 65 tuổi, và cả ở những nơi biến thể của virus SARS-CoV-2 đang hoành hành. Tuyên bố của WHO được đưa ra sau khi một nghiên cứu công bố gần đây tại Nam Phi cho thấy vaccine của AstraZeneca có hiệu quả hạn chế đối với biến thể xuất hiện ở quốc gia châu Phi này.
Vaccine của AstraZeneca chiếm một lượng lớn trong Cơ chế phân phối vaccine COVAX cho các nước nghèo hơn để đảm bảo phân phối vaccine công bằng khắp thế giới. Hiện WHO và Liên hợp quốc đã phối hợp triển khai phân phối tổng cộng 337,21 triệu liều vaccine tới khoảng 145 nước trong nửa đầu năm 2021 theo khuôn khổ COVAX.
Cùng ngày 11/2, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của châu Phi khẳng định sẽ không loại bỏ vaccine của AstraZeneca, đồng thời cho rằng cần nghiên cứu thêm về hiệu quả của vaccine trong việc ngăn ngừa biến thể mới ở Nam Phi.
Phát biểu họp báo, Giám đốc CDC châu Phi John Nkengasong cho biết các kế hoạch phân phối 7 triệu liều vaccine AstraZeneca ở châu Phi sẽ vẫn được triển khai dưới sự tài trợ của tập đoàn viễn thông Nam Phi MTN.