Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 11/2 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 107.804.917 ca, trong đó có 2.362.403 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 79.933.325 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 25.509.189 ca và 101.928 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 11/2, thế giới có tới 114 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 108 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng nhẹ.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới.
Hàng loạt nước châu Âu đã phải tái phong tỏa một phần hoặc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đồng thời đẩy nhanh chương trình vaccine.
Mỹ vẫn là quốc gia ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới, với 27.884.990 ca, trong đó có 482.593 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với 155.399 ca tử vong trong số 10.871.060 ca bệnh. Với 234.850 ca tử vong trong tổng số 9.659.034 ca mắc, Brazil đứng thứ 3 thế giới về số ca mắc nhưng đứng thứ 2 về số trường hợp không qua khỏi do COVID-19.
Tại châu Âu, Nga thông báo số ca mắc COVID-19 tại nước này đã vượt ngưỡng 4 triệu ca sau khi giới chức ghi nhận 14.494 ca mắc mới. Hiện số ca mắc COVID-19 tại nước này là 4.012.710, cao thứ tư thế giới. Trong 24 giờ qua, Nga cũng ghi nhận thêm 536 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi lên 78.134 ca.
Trong 24 giờ qua, các cơ quan y tế Đức ghi nhận có thêm 8.072 ca nhiễm mới và 813 ca tử vong. Hiện số trường hợp không qua khỏi do dịch bệnh COVID-19 là 62.969 ca. Chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày trong 100.000 dân đã giảm xuống 68, mức giảm mạnh so với đỉnh điểm lên tới 197,6 vào ngày 22/12/2020.
Tuy nhiên, Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel đang dự định gia hạn các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt chống dịch cho tới ngày 13/3 tới do nguy cơ gia tăng trở lại số ca nhiễm mới vẫn hiện hữu với sự bùng phát của những biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Bộ Y tế Croatia thông báo đã phát hiện trường hợp đầu tiên mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 xuất hiện đầu tiên tại Anh. Theo bộ trên, biến thể mới được phát hiện trong các mẫu xét nghiệm của 3 người, trong đó có 1 em bé 3 tuổi.
Tại Trung Đông, Israel ngày 10/2 thông báo tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 được ghi nhận thông qua xét nghiệm tại nước này đã giảm xuống còn 7,8%, mức thấp nhất trong 4 tuần. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại Israel đang là 70.500 người, trong đó trên 5.200 ca đã tử vong. Chính phủ Israel đang tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm phòng vaccine toàn dân, bao gồm cả người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại đây.
Tại châu Á, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Đông Nam Á khi Indonesia, Phillipines và Thái Lan ghi nhận thêm nhiều ca mắc và tử vong trong ngày 10/2. Với số ca nhiễm mới tăng 8.700 ca, đến nay Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 1.174.779 ca mắc COVID-19, trong khi số ca tử vong lên tới 31.976 ca, tăng thêm 213 ca trong 24 giờ qua.
Hơn 29.700 binh sĩ đã được triển khai để hướng dẫn, truy vết virus SARS-CoV-2 tại các huyện, làng xã thuộc 7 tỉnh ở khu vực Java - Bali, bên cạnh sự tham gia của 1.768 lính hải quân và 102 lính không quân.
Tại Đông Bắc Á, số ca mắc mới COVID-19 ở Hàn Quốc đã quay trở lại ngưỡng trên 400 ca chỉ một ngày trước Tết Nguyên đán 2021.
Số liệu thống kê của Cơ quan Quản lý và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết tính đến 0h ngày 10/2, nước này ghi nhận thêm 444 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 81.930 ca, trong đó có tới 414 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 30 ca nhập cảnh. Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun đã lên tiếng kêu gọi toàn dân cần đảm bảo các biện pháp chống dịch trong dịp lễ Tết Nguyên đán.
Trong khi đó, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 từ ngày 18/2 tới. Thông báo trên được người đứng đầu cơ quan thực phẩm và y tế Hong Kong Sophia Chan đưa ra ngày 10/2 trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 theo ngày tại vùng lãnh thổ này liên tục giảm trong thời gian gần đây. Tới nay, đặc khu Hong Kong ghi nhận 10.694 ca mắc COVID-19, trong đó có 188 ca tử vong.
Liên quan đến việc cấp phép và triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, New Zealand đã xác nhận việc cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 do hai hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp bào chế.
Cũng trong ngày 10/2, Bộ An toàn dược phẩm của Hàn Quốc thông báo nước này sẽ phê chuẩn sử dụng vaccine ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm AstraZeneca bào chế và áp dụng đối với tất cả mọi người dân, kể cả những người trên 65 tuổi. Bahrain cùng ngày cũng đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vaccine Sputnik V phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do Nga sản xuất.
Tại Nam Phi, Bộ Y tế nước này thông báo sẽ bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson (Mỹ). Trước đó, Nam Phi đã tạm dừng sử dụng vaccine của AstraZeneca/Đại học Oxford (Anh) trong chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 sau khi dữ liệu cho thấy vaccine chỉ có hiệu quả tối thiểu đối với các trường hợp nhẹ và trung bình mắc biến thể của virus đang được ghi nhận ở nước này. Trong khi đó, hãng Pfizer cho biết có thể bàn giao vaccine ngừa COVID-19 trực tiếp cho các điểm tiêm chủng ở Nam Phi.
Cùng ngày, Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết những người dưới 55 tuổi từng nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ phải chờ ít nhất 6 tháng kể từ khi được chẩn đoán mới được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Biện pháp này sẽ được áp dụng cho 3 loại vaccine hiện đang được phân phối ở Tây Ban Nha và đang tạm thời chờ nghiên cứu thêm. Biện minh cho quyết định ưu tiên tiêm chủng cho những người chưa từng mắc COVID-19, bộ trên cho rằng các trường hợp tái nhiễm trong vòng 6 tháng là "hiếm có". Tuy nhiên, thời gian chờ trên không áp dụng với những người ngoài 55 tuổi hay có nguy cơ sức khỏe khiến họ dễ bị tái nhiễm.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 8/2, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 13.649 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 47.800 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 5 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Myanmar, Thái Lan và Malaysia.
Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực.
Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây, dù số ca mắc mới bắt đầu giảm nhẹ so với mấy ngày trước. Trong 24 giờ qua, Indonesia cũng là quốc gia có số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Á. Indonesia ghi nhận thêm 8.776 ca COVID-19 và 194 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt 1.183.555 ca và 32.167 ca.
Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á và số ca tử vong nhiều thứ 2 khu vực với 114 người thiệt mạng. Sau mấy tuần hạ nhiệt, Philippines lại đứng trước lo ngại sóng dịch tái phát khi số ca tử vong tăng cao mấy ngày gần đây. Philippines cũng đứng thứ 2 châu Á về số ca tử vong ngày 10/2.
Malaysia tình hình tiếp tục đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia khi nước này ghi nhận tới 3.288 ca bệnh mới, 14 ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày qua.
Myanmar trong 24 giờ qua cũng ghi nhận 39 ca bệnh mới và 1 ca tử vong.
Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 10/2 ghi nhận thêm 157 ca bệnh mới, 1 ca tử vong.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 47.819 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 321 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 2.204.738 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.809.784 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Lào, Brunei và Campuchia không có thêm ca tử vong hay mắc bệnh nào.
Vaccine COVID-19 do hãng dược phẩm AstraZeneca phối hợp với trường Đại học Oxford của Anh phát triển có thể sử dụng đối với người trên 65 tuổi, và cả ở những nơi biến thể của virus SARS-CoV-2 đang hoành hành. Đây là khẳng định mới được các chuyên gia về vaccine của Tổ chức Y tế Thế giới WHO đưa ra ngày 10/2.
Theo Nhóm Chuyên gia Tư vấn Chiến lược gồm 15 thành viên, tính đến toàn bộ các bằng chứng hiện có, WHO đề nghị sử dụng vaccine đối với cả người 65 tuổi trở lên. Vaccine cũng có thể được sử dụng tại những nơi mà các biến thể đang hiện diện. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh một nghiên cứu mới công bố gần đây tại Nam Phi cho biết có hiệu quả hạn chế đối với biến thể xuất hiện ở quốc gia châu Phi này.
Cùng ngày, AstraZeneca cho biết sẽ phối hợp với hãng IDT Biologika của Đức để sản xuất thêm vaccine cho châu Âu. Hai công ty này đang nghiên cứu các phương án để đẩy nhanh sản lượng vaccine trong quý 2 năm nay. Theo thỏa thuận, hai công ty sẽ đầu tư để tăng sản lượng sản xuất tại một địa điểm ở Đức nhằm sản xuất hàng triệu liều vaccine một tháng trước cuối năm 2022.