Theo tờ Wall Street Journal, sở dĩ như vậy vì mặc dù tất cả quần áo, giày dép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ sẽ phải chịu thuế 10% kể từ ngày 1/9, nhưng giá trị nhập khẩu mặt hàng này dành cho phụ nữ và trẻ em thường cao gấp đôi hàng dành cho nam giới và trẻ em nam.
Theo số liệu của Văn phòng Đại diện Thương Mại Mỹ, trong năm 2018, 42% (tương đương 23,5 tỷ USD) trên tổng lượng hàng quần áo, giày dép phụ nữ, trẻ em gái nhập khẩu vào Mỹ là từ Trung Quốc. Những con số tương ứng của các mặt hàng dành cho nam giới và trẻ em nam là 26% và 10,9 tỷ USD.
Theo các chuyên gia trong ngành, việc nhập khẩu nhiều quần áo, giày dép phụ nữ hơn là điều dễ hiểu. Bởi thời trang của phụ nữ thay đổi thường xuyên và ngành công nghiệp dệt may khổng lồ của Trung Quốc có khả năng cho ra những mẫu với xu hướng mới nhất.
Bà Tamara Gurevich, chuyên gia kinh tế tại Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC) cho rằng rõ ràng việc Chính phủ Mỹ áp thuế đối với hàng dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới phụ nữ nhiều hơn. Số liệu năm 2018 do ITC công bố cho thấy trung bình mỗi gia đình ở Mỹ chi tiêu khoảng 665 USD mỗi năm để mua quần áo, giày dép cho các thành viên nữ trong gia đình, còn mức chi mua quần áo, giày dép cho phái mạnh trong nhà chỉ chiếm 427 USD.
Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, người dân nước này trong năm 2018 chi ra gần 400 tỷ USD cho hàng may mặc. Trong đó, một tỷ lệ lớn các mặt hàng này được sản xuất tại Mỹ và các quốc gia khác ngoài Trung Quốc. Vì vậy Bộ Thương mại Mỹ cho rằng đợt thuế mới sẽ không ảnh hưởng tới đa số sức mua những mặt hàng này. Thậm chí, việc áp thuế lên sản phẩm may mặc từ Trung Quốc có thể khiến một số nhà sản xuất chuyển hoạt động sang nước khác.
Các vòng thuế trước của chính quyền Tổng thống Trump đối với hàng hóa Trung Quốc đã tránh áp lên những mặt hàng bán lẻ. Nhưng đợt thuế mới sẽ nhắm tới gần như mọi mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc mà trước đó không bị ảnh hưởng, bao gồm hàng điện tử và quần áo, giày dép.
Hiện văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ chưa đưa ra danh sách cuối cùng về các mặt hàng bị đánh thuế mới, vậy nên một số sản phẩm dành cho phụ nữ có thể được miễn trừ. Tuy nhiên, nếu bị đánh thuế, chắc chắn các công ty bán lẻ sẽ phải chia sẻ gánh nặng chi phí thuế cho người tiêu dùng. Trong trường hợp đó, đương nhiên người tiêu dùng sẽ phải mua ít đi hoặc chấp nhận dùng đồ chất lượng kém hơn để phù hợp với thu nhập của mình.
Theo báo cáo công bố vào năm 2018 của ITC dựa trên số liệu nghiên cứu tính từ năm 2015, mức thuế trung bình đang áp dụng ở Mỹ đối với quần áo phụ nữ là 14,9% trong đối với quần áo nam là 12%. Sự chênh lệch này là do Mỹ không ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc và Việt Nam, những nơi sản xuất hầu hết mặt hàng quần áo nữ mà người Mỹ hiện mua sắm. Còn mặt hàng quần áo nam bán ở Mỹ lại chủ yếu được nhập từ những nước mà Washington có ký FTA, chẳng hạn như Mexico, nên thuế đối với đồ nam lại rẻ hơn.