Trên khắp đất nước Trung Quốc, từ các nhà máy dọc bờ biển miền Đông, các nhà máy chế biến cá ở miền Nam, tới các hãng xuất khẩu nước táo ép ở miền Trung và nông dân ở miền Đông Bắc đều buộc phải thay đổi phương thức kinh doanh phù hợp với tình hình mới - đó là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cách đây gần một năm, tác động tới các loại hàng hóa của nước này.
Tuy nhiên, dù có thực hiện chiến thuật gì đi chăng nữa, mọi việc trở nên tồi tệ hơn với mức thuế trả đũa đe dọa bị áp mới đây, đồng nghĩa với việc toàn bộ hoạt động thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này sẽ chịu tác động.
Nhà quản lý về bán hàng của Công ty Nước hoa quả Hengtong ở Thiểm Tây (Shaanxi) nói: "Cuộc chiến thương mại tác động tới toàn bộ các nhà xuất khẩu như chúng tôi." Hoạt động xuất khẩu nước táo ép của Trung Quốc đã lao dốc 93% trong 6 tháng đầu năm nay kể từ khi Tổng thống Trump áp thuế đối với mặt hàng này của Trung Quốc hồi tháng 9/2018.
Ngành công nghiệp chế biến cá của Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Trung Quốc là nhà cung cấp cá rô phi đông lạnh chủ chốt ở thị trường Mỹ, song mặt hàng xuất khẩu này cũng giảm sút trong năm nay và người nuôi cá buộc phải thúc đẩy thị trường tiêu thụ trong nước.
Trong tài khoản trên WeChat, Liên minh Cá rô phi bền vững Hải Nam đề cập tới những gây áp lực đối với nhiều nhà cung cấp cá rô phi Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại là "giọt nước làm tràn ly" gây thiệt hại cho ngành công nghiệp này. Trong khi đó, Công ty Chế biến cá Zhaoqing Evergreen Aquatic đã tái trang bị cho nhà máy của mình trong mùa Đông năm nay để chú trọng vào thị trường trong nước.
Các công ty trong ngành công nghiệp khác của Trung Quốc cũng chịu tác động từ cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ. Ông Andy Zhou của hãng Anytone chuyên sản xuất đài phát thanh, cho biết lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ của hãng đã giảm mạnh. Xuất khẩu đài phát thanh sang thị trường Mỹ đã giảm từ 230 triệu USD năm ngoái xuống còn 33 triệu USD trong 6 tháng đầu năm nay. Hiện hãng đang tìm kiếm các thị trường ở châu Á và châu Âu để tăng doanh số bán ra.