Phát biểu trên được ông Lee đưa ra tại cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi bắt đầu đảm nhận cương vị Đại sứ tuần trước, trong đó, ông lưu ý rằng dự đoán của ông chỉ dựa trên đánh giá của Chính phủ Hàn Quốc về vòng đàm phán gần đây nhất diễn ra diễn ra tại Stockholm (Thụy Điển) hồi đầu tháng này.
Vòng đàm phán Mỹ - Triều tại Stockholm là cuộc gặp lần đầu tiên giữa hai bên kể từ sau hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai hồi tháng 2 tại Việt Nam. Tuy nhiên, cuộc đàm phán kết thúc mà không đạt thỏa thuận nào. Triều Tiên chỉ trích phía Mỹ đến họp "tay không", trong khi Washington cho biết đã đề xuất các ý tưởng "sáng tạo" và hai bên đã có các cuộc thảo luận "tốt đẹp".
Trên cơ sở kinh nghiệm giữ cương vị trưởng đoàn Hàn Quốc tham gia đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên năm 2003, Đại sứ Lee nhận định: "Nếu nhìn vào lịch sử các cuộc đàm phán hạt nhân, có khi nghĩ rằng họ sẽ không gặp lại nhau, nhưng 2 hoặc 3 tháng sau họ lại gặp nhau". Theo ông Lee, điều này đã diễn ra nhiều lần, vì vậy, ông cho rằng các nhà đàm phán Mỹ và Hàn Quốc sẽ có thể gặp lại nhau sau cuộc đàm phán ở Thụy Điển.
Trước đó, ngày 25/10, lãnh đạo đảng Dân chủ cầm quyền tại Hàn Quốc Lee Hae-chan cũng nhận định rằng Mỹ và Triều Tiên có thể nối lại các cuộc đàm phán cấp chuyên viên trong năm nay, đồng thời hy vọng về một bước đột phá nếu cả hai bên đồng ý đưa ra những nhượng bộ.
Theo ông Lee Hae-chan, cả Mỹ và Triều Tiên đều không muốn chấm dứt các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa. Ông cho rằng cuộc đàm phán cấp chuyên viên tại Stockholm hôm 5/10 vừa qua là hình thức đàm phán thăm dò, vì vậy, hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy các cuộc đàm phán tiếp theo.
Ông Lee Hae-chan cũng nhận định rằng bế tắc trong tiến trình đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên hiện nay là do những đòi hỏi lẫn nhau của hai bên. Vì vậy, nếu hai bên có thể đưa ra những nhượng bộ thì các cuộc đàm phán có thể được khởi động lại.