Hàn Quốc dự chi 143 triệu USD để bào chế vaccine ngừa COVID-19

Ngày 4/9, Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc thông báo đã dành 170,7 tỷ won (143 triệu USD) vào năm tới nhằm hỗ trợ các công ty trong nước bào chế thuốc điều trị và vaccine nhằm phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. 

Chú thích ảnh
Vaccine phòng COVID-19 được phát triển bởi công ty công nghệ sinh học Sinovac ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 16/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong một tuyên bố, bộ trên nêu rõ chính phủ sẽ chi 31,9 tỷ won để tìm các vật tư cần thiết cho bào chế vaccine tiềm năng và 7,4 tỷ won cho các thử nghiệm lâm sàng vaccine ở động vật. Trong khi đó, 131,4 tỷ won sẽ được chi vào thử nghiệm vaccine ở người. 

Ngoài khoản ngân sách 170 tỷ won trên, chính phủ sẽ dành 200 tỷ won vào năm tới để nâng cấp các cơ sở nghiên cứu giúp phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Trong năm 2021, Chính phủ Hàn Quốc dự chi tổng cộng 27.200 tỷ won vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, tăng 12,3% so với con số của năm nay. Đây sẽ là năm thứ hai liên tiếp ngân sách cho nghiên cứu tăng 2 con số, sau khi tăng 18% trong năm nay.

Các công ty dược phẩm và các nhà khoa học trên thế giới đang chạy đua để bào chế một loại vaccine hiệu quả ngừa virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Nhiều chuyên gia cho rằng khả năng vaccine này có thể được sản xuất đại trà vào giữa năm tới.  

Số ca mắc COVID-19 mới tại Hàn Quốc đã giảm xuống dưới 200 ca ngày thứ hai liên tiếp. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) thông báo sáng 4/9, nước này ghi nhận thêm 198 ca mắc COVID-19, trong đó có 189 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 20.842 ca. Một ngày trước đó, nước này công bố thêm 195 ca mắc bệnh. Đến sáng 2/9, số ca tử vong do COVID-19 tăng thêm 2 ca lên 331 ca. Trong khi đó, số ca bình phục tăng thêm 254 ca lên 15.783 ca.

Liên quan đến cuộc đình công của nhiều bác sĩ trên cả nước phản đối các chính sách y tế của chính phủ, một nhóm đại diện cho các bác sĩ đình công và Chính phủ Hàn Quốc đạt được một thỏa thuận ngày 4/9. Theo đó, hàng nghìn bác sĩ thực tập tại các bệnh viện đa khoa trên cả nước và những bác sĩ thuộc Hiệp hội Bác sĩ thực tập nội trú và Bác sĩ nội trú (KIRA) nhất trí trở lại làm việc từ 9h30 giờ địa phương cùng ngày sau 2 tuần đình công.

Thỏa thuận bao gồm 5 điểm, trong đó chính phủ nhất trí tạm hoãn kế hoạch nâng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường y và sẽ thảo luận lại vấn đề này khi dịch COVID-19 giảm. Thỏa thuận cũng kêu gọi ngành y tế và các cơ quan y tế tiến hành thêm các cuộc đối thoại về nhiều vấn đề từ việc thành lập trường y tế công đến phạm vi chi trả bảo hiểm y tế. 

Ngày 21/8 vừa qua, các bác sĩ thuộc KIRA đã tiến hành đình công để phản đối kế hoạch của Chính phủ Hàn Quốc nâng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường y và thành lập các trường y tế công. Hiệp hội Y học Hàn Quốc (KMA), với hơn 130.000 thành viên, cũng ủng hộ động thái của các bác sĩ. Theo chương trình cải tổ được đề ra, Bộ Y tế Hàn Quốc có kế hoạch nâng hạn ngạch tuyển sinh cho các trường y thêm 4.000 chỉ tiêu trong 10 năm tới, kể từ năm 2022, và cũng mở thêm các trường y tế công nhằm mở rộng phạm vi dịch vụ chăm sóc y tế trên cả nước. Như vậy, các trường y sẽ phải tiếp nhận số lượng sinh viên từ 3.058 hiện nay lên 3.458 trong giai đoạn 2022-2031.

Nguyễn Hằng (TTXVN)
Hàn Quốc: Gia tăng bệnh nhân nguy kịch và ca mắc không rõ đường lây
Hàn Quốc: Gia tăng bệnh nhân nguy kịch và ca mắc không rõ đường lây

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, mặc dù số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Hàn Quốc duy trì ở mức dưới 300 ca/ngày trong ngày thứ 3 liên tiếp, song cơ quan y tế cảnh giác trước sự gia tăng các ca không rõ đường lây nhiễm và ngày càng có nhiều bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN