Trả lời phóng viên tại một cuộc họp báo đặt câu hỏi liệu Chính phủ Hàn Quốc có đang cân nhắc dỡ bỏ trừng phạt áp đặt với Triều Tiên từ năm 2010 hay không, phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc Yoh Sang-key khẳng định "không có bất cứ kế hoạch nào triển khai các biện pháp tiếp theo vào thời điểm này", đồng thời nêu rõ Chính phủ Hàn Quốc chưa bao giờ đề cập khả năng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt năm 2010.
Trước đó, ngày 20/5, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết nhiều biện pháp trừng phạt không đạt hiệu quả như ý định đề ra do các chính phủ tiền nhiệm đã áp dụng nhiều "ngoại lệ" trong thực thi các biện pháp này. Tuyên bố được đưa ra nhân dịp Hàn Quốc đánh dấu 10 năm thực hiện các biện pháp trừng phạt Triều Tiên sau khi tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc bị đánh chìm khiến 46 thủy thủ trên tàu này thiệt mạng.
Tuyên bố trên làm dấy lên suy đoán về khả năng chính quyền Seoul dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng, trong bối cảnh một số dấu hiệu mới đây cho thấy Chính phủ Hàn Quốc muốn tăng cường hợp tác xuyên biên giới, coi đây là một phần nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ liên Triều.
Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul đầu tháng 5 này cho biết Chính phủ Hàn Quốc sẽ xem xét các cách thức "thiết thực" để thúc đẩy trao đổi và hợp tác với Triều Tiên trong các lĩnh vực không nằm trong diện bị trừng phạt. Tuy nhiên, Triều Tiên hiện chưa phản hồi đối với các đề xuất của phía Hàn Quốc về bất cứ sự hợp tác xuyên biên giới nào kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai vào cuối tháng 2/2019 không đạt được thỏa thuận nào.
Lệnh trừng phạt nói trên, còn được biết đến với tên gọi "Các biện pháp ngày 24/5", cấm hầu hết các trao đổi liên Triều và bị xem là một trong những rào cản trong thúc đẩy quan hệ giữa hai miền Triều Tiên. Một số ý kiến cho rằng những biện pháp trừng phạt này chỉ mang tính tượng trưng vì hầu hết các hạn chế đã nằm trong các biện pháp trừng phạt quốc tế áp đặt với Triều Tiên, theo đó kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt được cho là vô ích này.