Mỹ sẽ xem xét một số miễn trừ liên quan tới lệnh trừng phạt Iran

Mỹ muốn tránh gây rối loạn các thị trường dầu mỏ toàn cầu khi áp đặt lại các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran và trong một số trường hợp nhất định sẽ xem xét miễn trừ đối với những nước cần thời gian để giảm lượng dầu nhập khẩu từ Iran.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin phát biểu trong cuộc họp báo tại Washington DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuyên bố trên được Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đưa ra với các phóng viên ngày 13/7 song đến ngày 16/7 mới được chính thức công bố. 

Phát biểu với các phóng viên, Bộ trưởng Mnuchin cho biết Mỹ muốn các nước giảm mua dầu của Iran xuống mức 0, nhưng Mỹ sẽ xem xét một số trường hợp ngoại lệ nếu những nước này không thể thực hiện được việc này trong "một sớm một chiều". Ông cho biết Washington hy vọng các nước tăng cường các biện pháp trừng phạt Iran, nhưng nếu có những trường hợp đặc biệt thì Mỹ cũng sẽ sẵn sàng lắng nghe.

Hồi cuối tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết Washington đã phản đối đề nghị của Pháp miễn trừ trừng phạt đối với các công ty của nước này đang làm ăn tại Iran. Pháp đã chỉ ra những lĩnh vực chủ chốt mà nước này hy vọng được miễn trừng phạt hoặc kéo dài thời gian cơ chế trừng phạt có hiệu lực, trong đó có ngành năng lượng, ngân hàng, dược và ôtô.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang thúc giục các nước giảm toàn bộ nhập khẩu dầu mỏ từ Iran từ tháng 11, khi Mỹ áp đặt lại các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran sau khi nhà lãnh đạo Mỹ đầu rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, có tên gọi đầy đủ là kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), ký kết năm 2015 giữa Iran với Nhóm P5 + 1 (gồm Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc và Đức). Theo thỏa thuận này, các biện pháp trừng phạt Iran liên quan chương trình hạt nhân của nước này dần được dỡ bỏ để đổi lấy việc Tehran bảo đảm tính chất hòa bình của các hoạt động hạt nhân. Thỏa thuận quy định Iran có quyền xây dựng và thử nghiệm một số máy ly tâm làm giàu urani, mặc dù hạn chế về chủng loại và số lượng máy trong 10 năm đầu thực hiện thỏa thuận. Ngoài ra, Tehran chỉ được làm giàu urani ở mức 3,67%.
 
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/5 vừa qua tuyên bố Mỹ rút khỏi JCPOA, đồng thời Nhà Trắng quyết định áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đã được dỡ bỏ trước đó đối với Iran. Mặc dù các bên còn lại trong thỏa thuận cam kết vẫn tuân thủ JCPOA, song nhiều công ty nước ngoài đã bắt đầu thu hẹp hoạt động tại Iran để hạn chế những thiệt hại do có thể vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. Theo giới phân tích, các doanh nghiệp châu Âu đầu tư lớn vào Iran sau khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ dần trong 3 năm qua bị thiệt hại nặng nề nhất từ các quyết định này của Mỹ. Chính quyền Mỹ cho biết đến nay có hơn 50 công ty nước ngoài đã rút hoạt động khỏi Iran sau khi Mỹ thông báo rút khỏi JCPOA.

TTXVN/Báo Tin tức
Mỹ mở rộng danh sách trừng phạt Iran
Mỹ mở rộng danh sách trừng phạt Iran

Mỹ đã áp đặt trừng phạt đối với 5 công dân Iran mà Washington cho là liên quan đến Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN