Điều này đồng nghĩa với việc Google rút lại kháng nghị mức án phạt chống độc quyền của Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra trước đó.
Ngày 16/10, Google tuyên bố sẽ tuân thủ phán quyết của EC trong vụ kiện chống độc quyền, đồng thời thông báo các nhà chế tạo thiết bị từ nay sẽ phải trả phí cấp phép để truy cập vào các ứng dụng của Google như Gmail hoặc Youtube. Các ứng dụng sẽ được định giá trong kho ứng dụng của Google, đáp ứng yêu cầu của EC.
Trong một phản ứng đầu tiên, EC cho biết sẽ giám sát chặt chẽ việc tuân thủ của Google nhằm đảm bảo các biện pháp khắc phục của hãng đem lại hiệu quả và tôn trọng quyết định của ủy ban này.
Trước đó, tháng 7 vừa qua, EC thông báo phạt Google 4,34 tỷ euro (5 tỷ USD) và yêu cầu tập đoàn này trong vòng 90 ngày phải chấm dứt hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên nếu không sẽ bị áp đặt mức phạt 5% doanh thu toàn cầu tính theo trung bình hằng ngày của Alphabet- tập đoàn "mẹ" của Google.
EC cáo buộc Google lạm dụng sự thống trị của hệ điều hành Android trên các điện thoại thông minh và máy tính bảng để buộc người dùng sử dụng công cụ tìm kiếm Google đồng thời hạn chế những đối thủ cạnh tranh khác.
Theo nội dung khởi kiện EC chính thức đưa ra hồi tháng 4, Google đã lạm dụng mã nguồn mở Android, ngăn các nhà chế tạo điện thoại thông minh bán sản phẩm chạy trên các hệ điều hành của những đối thủ cạnh tranh của Google.
EC cũng cáo buộc Google đã yêu cầu các hãng chế tạo thiết bị di động như Samsung (Hàn Quốc) và Huawei (Trung Quốc) cài sẵn công cụ tìm kiếm Google và trình duyệt Chrome trên điện thoại (trong đó đặt mặc định Google Search), coi đây là điều kiện để cấp phép một số ứng dụng.
Theo đó, đa số thiết bị di động được bán tại thị trường châu Âu được cài mặc định Google Search và Chrome. Bên cạnh đó, Google cũng đưa ra “những ưu đãi tài chính” cho các nhà sản xuất và các nhà mạng di động nếu họ cài sẵn Google Search trên các thiết bị.
Phần mềm Android hoạt động như “bộ não” của các thiết bị di động, điều hành nhiều tính năng từ gọi điện thoại, chỉ hướng đến chơi game, tìm kiếm trực tuyến… Google cung cấp miễn phí phần mềm Android cho các hãng chế tạo thiết bị, nhưng kiếm tiền từ các quảng cáo hoặc các nội dung trên các dịch vụ trực tuyến chạy trên hệ điều hành này. Phiên bản Android đầu tiên được tung ra cách đây 10 năm.
Theo công ty nghiên cứu Gartner, phần mềm Android thống trị thị trường điện thoại thông minh với thị phần 85,9% năm 2017, trong khi hệ điều hành iOS của hãng Apple chiếm 14% . Khoảng 1,3 tỷ điện thoại sử dụng hệ điều hành Android đã được bán ra năm ngoái, so với xấp xỉ 215 triệu chiếc sử dụng iOS và 1,5 triệu chiếc sử dụng hệ điều hành khác.