Trong vòng 10 tháng tới, Google sẽ cho đóng dịch vụ xã hội Google Plus phiên bản dành cho người tiêu dùng.
Công ty Google đã công bố thông báo chính thức trên blog ngày 8/10. Quyết định trên được đưa ra ngay sau khi báo Wall Street Journal đăng thông tin có một lỗ hổng an ninh được phát hiện vào tháng 3 để lộ thông tin cá nhân của 500.000 người.
Điều đáng nói ở đây là Google đã chọn cách không tiết lộ về vấn đề này. Không những vậy, Giám đốc điều hành Google là ông Sundar Pichai cũng được thông báo về việc không được nói cho bất kỳ ai, mà theo báo cáo của WSJ là do lo ngại làm vậy sẽ thu hút sự giám sát và gây tổn hại đến danh tiếng của Google.
Google cho biết Google+ hiện có lượng người sử dụng khá thấp, với 90% người sử dụng Google+ ghé thăm trang chưa đầy 5 giây. Tuy nhiên, công ty vẫn có kế hoạch giữ dịch vụ này cho khách hàng doanh nghiệp để giữ liên lạc với các đối tác, nhân viên. Những tính năng mới sẽ được tích hợp để phục vụ cho mục đích đó.
Bên cạnh việc “khai tử” Google+, Google thông báo những phần điều chỉnh thông tin cá nhân mới cho các dịch vụ khác của công ty này. Sự thay đổi trong giao diện lập trình ứng dụng (API) sẽ hạn chế việc người lập ứng dụng tiếp cận thông tin trên các thiết bị Android và Gmail. Những người phát triển ứng dụng sẽ không còn nhận được lưu trữ cuộc gọi, tin nhắn trên các thiết bị Android cũng như những dữ liệu tương tác sẽ không khả dụng trên hệ thống API Liên lạc của Android.
Đối với Gmail, Google đang cập nhật Chính sách Thông tin người sử dụng với phiên bản người tiêu dùng. Sự thay đổi này sẽ hạn chế các ứng dụng tiếp cận thông tin người sử dụng.
Bất kỳ bên phát triển ứng dụng nào có quyền tiếp cận thông tin đều sẽ phải trải qua các cuộc đánh giá an ninh và thống nhất những quy định mới về việc tiếp cận dữ liệu, ví dụ như không được chuyển hay bán dữ liệu khách hàng vì mục đích quảng cáo, nghiên cứu thị trường…
Từ đầu năm nay ,“ông lớn” Google đã thực hiện nhiều thay đổi liên quan đến chính sách bảo mật sau khi báo Wall Street Journal đăng bài viết mô tả chi tiết rằng bên phát triển ứng dụng thứ 3 có thể đọc và phân tích tin nhắn của người sử dụng Gmail. Thời điểm đó, Suzanne Frey – Giám đốc phụ trách an ninh và bảo mật cho Google Cloud – khuyến cáo người sử dụng phải cân nhắc cho phép các ứng dụng tiếp cận tài khoản cá nhân và khẳng định sẽ can thiệp nếu thấy cần thiết. Năm ngoái, Google cũng thông báo dừng việc quét nội dung trong tin nhắn gửi bằng Gmail sử dụng cho mục đích quảng cáo.
Quyết định “khai tử” Google+ sau sự cố rò rỉ dữ liệu được coi như "hồi chuông cảnh tỉnh" đối với các nền tảng mạng xã hội miễn phí, đặc biệt là trang mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook.
Hồi tháng 4, Facebook phải trải qua vụ khủng hoảng do để lộ thông tin người dùng nghiêm trọng nhất trong lịch sử công ty kể từ khi được thành lập.
Vụ bê bối bị phát giác sau khi hai tờ báo lớn là New York Times của Mỹ và The Guardian của Anh đồng loạt đưa tin về việc thông tin của 50 triệu "Facebooker" bị công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica (CA) của Anh khai thác trái phép. Dư luận càng dậy sóng khi ông chủ Facebook - Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg thừa nhận con số người dùng thực tế bị khai thác dữ liệu trái phép lên tới gần 90 triệu người. Bản thân vị tỷ phú 33 tuổi trong cũng phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ để giải trình.
Dù cho Mark Zuckerberg đã xin lỗi người dùng toàn cầu nhận trách nhiệm và cam kết thay đổi chính sách để ngăn ngừa những sai sót về quản lý dữ liệu, nhưng sự thất bại của mạng xã hội lớn nhất hành tinh này trong việc bảo vệ thông tin người dùng đã khiến hàng nghìn người rủ nhau tẩy chay với chiến dịch có tên “DeleteFacebook”.