Giá dầu thô lần đầu tiên sau 34 năm xuống dưới 8 USD/thùng

Sáng 20/4 (theo giờ New York), lần đầu tiên sau hơn 3 thập kỷ giá dầu thô WTI (Tây Texas) đã rơi xuống dưới mức 8 USD/thùng, như là hệ quả của đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) đang làm đóng băng hầu hết các nền kinh tế lớn của thế giới.

Chú thích ảnh
 Ảnh: Bloomberg

Tiếp tục đà lao dốc trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, giá dầu thô WTI giao tháng 5 trên Sàn giao dịch chứng khoán New York vào phiên mở cửa sáng 20/4 (đêm 20/4 theo giờ Việt Nam) chỉ đạt 7,98 USD/thùng.

Theo Bianco Research, đây là mức giá thấp nhất trong của dầu thô WTI sau 34 năm, kể từ khi giá rơi xuống mức 10,42 USD/thùng vào ngày 31/3/1986.   

Xu thế giá dầu lao dốc đã kéo dài trong nhiều ngày qua, giữa lúc đại dịch COVID-19 do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra đang làm chao đảo nền kinh tế toàn cầu.

Trong phiên giao dịch sáng 19/4, giá dầu thô WTI có thời điểm đã giảm khoảng 20% xuống dưới 15 USD/thùng. Đó là mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua trước những quan ngại về cú sốc nhu cầu do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra và tình trạng thiếu khả năng dự trữ đã "lấn át" thỏa thuận cắt giảm sản lượng mà các nước sản xuất dầu mỏ đạt được gần đây.

Cụ thể, giá dầu thô WTI giao dịch đầu phiên ngày 19/4 tại thị trường châu Á đã giảm hơn 19% xuống còn 14,73 USD/thùng  trước khi tăng lên 15,78 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent biển Bắc giảm 4,1% xuống 26,93 USD/thùng, trước khi tăng lên mức 28,11 USD/thùng.

Các thị trường dầu mỏ chứng kiến đà sụt giảm mạnh trong những tuần gần đây do việc nhiều quốc gia áp dụng hàng loạt biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 làm giảm mạnh nhu cầu.

Cuộc khủng hoảng trên càng nghiêm trọng hơn khi Saudi Arabia khởi động cuộc chiến giá dầu với Nga sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những quốc gia sản xuất dầu liên minh (OPEC+), không thống nhất được thỏa thuận tiếp tục cắt giảm sản lượng.

Cho dù sau đó, OPEC+ đã đạt được thỏa thuận này, nhưng giá dầu vẫn tiếp tục "lao dốc" và các nhà phân tích cho rằng việc cắt giảm sản lượng sẽ không đủ để bù đắp cho nhu cầu "vàng đen" giảm mạnh do đại dịch COVID-19. 

Giá dầu WTI chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực đầu phiên giao dịch sáng 20/4 trong bối cảnh giới phân tích cho biết hiện có nhiều lo ngại rằng các kho dự trữ dầu mỏ chính của Mỹ đã đầy. Ông Michael McCarthy, chuyên gia phân tích thị trường thuộc công ty CMC Market, nhận định giá dầu WTI giảm cho thấy tình hình dư thừa dầu ở kho dự trữ tại thành phố Cushing, bang Oklahom  của Mỹ. 

Trong khi đó, ngân hàng ANZ lưu ý rằng "giá dầu thô vẫn chịu sức ép khi nhiều dự báo về nhu cầu ngày càng sụt giảm tác động tới tâm lý các nhà đầu tư. Bất chấp OPEC+ đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng chưa từng có, thị trường vẫn tràn ngập dầu thô. Quan ngại vẫn tiếp tục gia tăng về việc các kho dự trữ tại Mỹ sẽ hết khả năng tiếp nhận thêm các lô dầu mới".

Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết lượng dầu thô dự trữ của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng 19,25 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 10/4. Điều này càng làm dấy những quan ngại về tình trạng dư cung "vàng đen" trên thị trường thế giới.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Sản lượng dầu thô của Nga giảm xuống 11,24 triệu thùng/ngày 
Sản lượng dầu thô của Nga giảm xuống 11,24 triệu thùng/ngày 

Một nguồn tin trong ngành tiết lộ với hãng tin Reuters rằng, sản lượng dầu trung bình của Nga đã giảm xuống còn 11,24 triệu thùng/ngày trong thời gian từ ngày 1-12/4, so với mức trung bình 11,29 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN