Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ WTI giao kỳ hạn giảm 17 xu Mỹ, xuống 20,31 USD/thùng, sau khi có thời điểm chạm mức 19,90 USD/thùng vào giữa phiên. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 6/2020 giảm 1,61 USD (6,1%), xuống 24,74 USD/thùng, sau khi rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2002 trong phiên trước đó.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 1/4 kêu gọi các nhà sản xuất và người tiêu dùng dầu toàn cầu giải quyết tình trạng giá dầu “trượt dốc không phanh”. Ông cho biết Mỹ cũng lo ngại về tình hình trên thị trường dầu mỏ và nếu đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ giảm, giá dầu chắc chắn sẽ tăng trở lại, điều mà theo ông là "không ai mong muốn".
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump lo ngại rằng việc dầu "rẻ hơn nước" đang gây tổn hại cho ngành năng lượng nước này. Ông đã mời một số giám đốc điều hành các tập đoàn dầu khí, bao gồm cả giám đốc điều hành của Exxon Mobil và Chevron Corp, tới một cuộc họp vào ngày 3/4 tới để thảo luận về việc viện trợ cho ngành công nghiệp dầu mỏ, bao gồm cả chính sách thuế quan đối với việc nhập khẩu dầu từ Saudi Arabia.
Cùng ngày 1/4, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak và Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Dan Brouillette đã điện đàm thảo luận việc đảo ngược sự sụt giảm của giá dầu trên toàn cầu.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Bộ Năng lượng Nga ra thông cáo cho biết: “Hai bên đã thảo luận tình hình thị trường dầu thế giới hiện nay và các lĩnh vực hợp tác tiềm tàng giữa hai nước trên thị trường năng lượng thông qua Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Ngân hàng Thế giới”. Hai ông lưu ý rằng nhu cầu giảm sút cũng như thặng dư trên thị trường dầu không giúp ngành năng lượng toàn cầu phát triển và gây rủi ro cho nguồn cung ổn định của thị trường sau khi kinh tế toàn cầu bắt đầu hồi phục. Theo họ, cần có phản ứng xây dựng đối với những thách thức hiện nay và tiếp tục cuộc đối thoại.
Hãng tin Bloomberg dẫn một nguồn tin giấu tên trong Chính phủ Nga cho biết các công ty khai thác dầu nước này đã quyết định không tăng sản lượng dầu từ ngày 1/4 như dự kiến trước đó.
Như dự kiến, từ ngày 1/4, Saudi Arabia đã tăng sản lượng khai thác dầu lên hơn 12 triệu thùng/ngày. Trước đó, các quan chức vương quốc này cho biết đã sẵn sàng tăng sản lượng lên 12,3 triệu thùng/ngày, cao hơn 1/3 so với sản lượng tháng 3. Saudi Arabia muốn tăng tổng lượng "vàng đen" xuất khẩu lên 10,6 triệu thùng/ngày bằng cách chuyển một phần nguồn cung cho thị trường nội địa sang xuất khẩu.
Thị trường năng lượng chịu sức ép giảm mạnh do đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu lao dốc, trong khi sản lượng dầu của Saudi Arabia và Nga tiếp tục tăng sau khi hai bên không đạt được sự đồng thuận trong việc cắt giảm sản lượng hồi tháng trước.
Giá dầu Brent đã "mất" 66% trong quý I/2020, đánh dấu quý giảm giá mạnh nhất từ trước tới nay, giữa bối cảnh sản lượng dầu của Saudi Arabia tăng lên hơn 12 triệu thùng/ngày trong vài tháng gần đây.
Sự rạn nứt trong OPEC ngày càng lớn khi Saudi Arabia và các thành viên khác của OPEC đã không thể đi đến một thỏa thuận vào ngày 31/3 để tiếp tục nhóm họp vào tháng Tư nhằm thảo luận về tình hình lao dốc của giá dầu. Trong khi đó, các quan chức hàng đầu của Mỹ cũng đang phớt lờ đề xuất liên minh với Saudi Arabia để kiểm soát thị trường dầu mỏ.