Trong phiên giao dịch ngày 31/3, giá dầu West Texas của Mỹ đã tăng 7,3% lên mức 21,5 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent tăng 3,3% lên 23,5 USD/thùng.
Giới phân tích cho rằng giá dầu bật tăng mạnh do hầu hết chính phủ các nước trên thế giới đều tung ra gói cứu trợ nhằm hỗ trợ nền kinh tế - vốn bị dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tàn phá, trong đó có gói cứu trợ trị giá 2.000 tỷ USD của Mỹ.
Bên cạnh đó, cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin ngày 30/3 bàn về giá dầu cũng góp phần đẩy giá dầu tăng.
Ông Stephen Innes, chiến lược gia thị trường toàn cầu của AxiCorp, cho rằng cuộc điện đàm của Tổng thống Trump có thể nhằm thuyết phục Nga ngồi vào bàn đàm phán với Saudi Arabia hoặc thậm chí xem xét nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Moskva. Theo ông, bất kỳ tín hiệu nào cho thấy Moskva và Riyadh gạt bỏ bất đồng đều là tích cực. Tuy nhiên, vẫn có những cảnh báo cho rằng giá dầu có thể giảm sâu hơn nữa do các kho dự trữ trên khắp thế giới hiện đều hết công suất.
Ngày 30/3, giá dầu thế giới đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2002, khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) xuống dưới 20 USD/thùng. Nguyên nhân khiến giá dầu giảm là do hầu hết chính phủ các nước trên thế giới đều áp dụng biện pháp phong tỏa nhằm khống chế sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, kéo theo nhu cầu giảm sút.
Giá dầu càng sụt giảm sâu hơn sau khi cuộc đàm phán giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) về đề xuất tiếp tục giảm nguồn cung không đạt thỏa thuận, gây ra một cuộc chiến về giá. Nga và Saudi Arabia tiếp tục tăng sản lượng. Mới đây nhất, Saudi Arabia tuyên bố sẽ tăng lượng xuất khẩu dầu lên mức kỷ lục 10,6 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 5.