Giá dầu thế giới đã giảm mạnh trong những phiên gần đây và hiện vẫn ở mức dưới 81 USD/thùng đối với dầu ngọt nhẹ New York và dưới 85 USD/thùng đối với dầu Brent Biển Bắc. Giá cả giảm mạnh sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của các nước xuất khẩu dầu.
Các nước OPEC và những nước xuất khẩu lớn khác sẽ cảm nhận được tác động của việc giá dầu giảm mạnh nhất, đặc biệt là Nga, Venezuela và Iraq. Nhờ lợi thế về chi phí sản xuất, các nước này vẫn có lời với mức giá dầu thấp, nhưng ngân sách lại dựa trên ước tính giá dầu ở mức 100 USD hoặc cao hơn. Ngân sách 2014 của Nga được tính trên mức giá dầu trung bình 117 USD/thùng cho phần lớn thời gian của năm. Còn với Venezuela, theo ước tính, giá dầu phải ở mức 110 USD/thùng thì nước này mới có thể thực hiện được các nghĩa vụ tài chính. Trong khi đó, Iraq đang tính toán rằng nguồn thu tăng nhờ cả giá dầu ở mức cao và sản lượng tăng sẽ giúp nước này đẩy lùi tình trạng bạo loạn và hồi sinh đất nước. Tuy nhiên, ngược lại với tính toán đó, nguồn thu này có thể sẽ giảm.
Đối với Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, nước này sẽ bị thâm hụt ngân sách nếu giá dầu ở mức 85 USD/thùng.
Theo các nhà phân tích, yếu tố quan trọng nhất tác động tới thị trường dầu mỏ hiện tại là nguồn cung quá dồi dào, không chỉ tại Mỹ mà còn trên toàn thế giới. Tình trạng này càng đáng ngại thêm trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu nói chung và một số nền kinh tế lớn như Trung Quốc và châu Âu nói riêng còn khá u ám, sau khi vừa phải đón nhận một loạt số liệu kinh tế đáng thất vọng.
Lê Minh