Giá dầu thế giới giảm kéo theo nhiều hệ quả

Một trong những diễn biến kinh tế quan trọng trong những tháng gần đây nhưng lại chưa được quan tâm đúng mực là sự sụt giảm liên tục của giá dầu mỏ.

Chỉ trong vòng 4 tháng, dầu mỏ đã mất khoảng 27% giá trị.


Giá dầu đã giảm từ mức 114 USD/thùng hồi tháng 6 xuống còn 83 USD vào ngày 17/10 vừa qua và sẽ còn chưa dừng lại. Như vậy, chỉ trong vòng 4 tháng, dầu mỏ đã mất khoảng 27% giá trị và điều này sẽ ảnh hưởng thế nào tới tình hình kinh tế, chính trị và an ninh thế giới?

Hệ quả đầu tiên và lớn nhất của việc giá dầu hạ sẽ là tác động tới cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây hiện nay. Xuất khẩu năng lượng đang là lĩnh vực then chốt của kinh tế Nga, nên bất kỳ sự sụt giảm giá dầu nào đều sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập từ xuất khẩu của nước này và GDP của Nga sẽ bị sụt giảm mạnh.

Chẳng thế mà phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM) tại Milan hôm 17/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay ngăn chặn sự sụt giảm của giá dầu, nếu không nền kinh tế thế giới sẽ có nguy cơ “sụp đổ”.

Ngân sách năm 2014 của Nga hoạch định dựa trên kỳ vọng giá dầu trung bình ở mức 117 USD/thùng và 90 USD/thùng cho quý 4. Với việc mỗi thùng dầu giảm 1 USD, tức ngân sách Nga sẽ mất đi 2 tỷ USD.

Các quan chức Bộ Tài chính Nga ước tính việc giá dầu hạ sẽ làm giảm 2% tăng trưởng GDP của nước này. Đóng góp cho ngân sách giảm sẽ khiến hạn chế khả năng hỗ trợ của Điện Kremlin cho các ngành kinh doanh bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt trong dài hạn.

Do vậy, Nga có thể sẽ phải hài hòa lập trường trong những cuộc đàm phán sắp tới với phương Tây trong việc giải quyết khủng hoảng Ukraine nhằm giảm áp lực từ các lệnh trừng phạt.

Phương Tây có vẻ tiếp tục là bên hưởng lợi từ việc giá dầu giảm, khi mà đây lại là một cơ hội để gây sức ép với Iran nhằm tìm kiếm được một giải pháp cho chương trình hạt nhân của nước này. Với châu Âu, nguồn dự trữ khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới của Iran là một trong những lựa chọn triển vọng thay thế nguồn cung từ Nga.

Song Tehran đang bị hạn chế về số lượng khí xuất khẩu cũng như lợi nhuận do dầu khí mang lại do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Những diễn biến mới đây trên thị trường năng lượng có thể khiến nền kinh tế Iran đối mặt thêm với những khó khăn mới. Do vậy, trong bối cảnh tiến triển về một thỏa thuận hạt nhân với phương Tây có thể bị chậm lại, Iran sẽ buộc phải có bước đi nhằm đẩy nhanh tiến trình này.

Ngoài vùng đất dầu mỏ Trung Đông, việc giá dầu giảm cũng sẽ ảnh hưởng tới Venezuela. Nước này hoạch định ngân sách dựa trên việc tính toán giá dầu chỉ ở mức 60 USD/thùng để có thể sử dụng nguồn thu nhập thêm từ dầu mỏ trợ cấp cho các chương trình xã hội trong bối cảnh tình hình tài chính đang khá bấp bênh.

Trên thực tế, Caracas cần duy trì giá dầu ở mức 110 USD/thùng để trang trải các khoản chi ngân sách, cân bằng giá cả các mặt hàng nhập khẩu, qua đó, giúp bình ổn tình hình xã hội. Nếu giá dầu tiếp tục duy trì ở mức thấp trong thời gian dài, Venezuela có thể phải tính tới giải pháp bán vàng dự trữ hoặc đề xuất các điều khoản hấp dẫn hơn trong việc đổi dầu mỏ lấy khoản vay từ các đối tác quốc tế, nhất là từ Trung Quốc.

Lý giải về nguyên nhân giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn hai năm trở lại đây, nhiều người cho rằng đó là do tình hình bi đát của nền kinh tế thế giới, triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu không mấy sáng sủa; kinh tế Trung Quốc giảm tốc; cung vượt quá so với cầu.

Bên cạnh đó, Mỹ đã chính thức vượt qua Saudi Arabia trở thành nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới và dần không chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn có thể xuất khẩu. Nhưng nhìn lại những tác động của vấn đề giá dầu hạ tới thế giới, trong bối cảnh đang xuất hiện rất nhiều điểm nóng như hiện nay, nhiều người sẽ cho rằng đây có thể chưa phải là những nguyên nhân chính khi mà dầu mỏ từ xưa tới nay vẫn là một con bài kinh tế - chính trị được các nước sử dụng để “vẽ” lại địa chính trị thế giới.


Thái Nguyễn
Chiến sự Iraq không tạo ra khủng hoảng dầu mỏ
Chiến sự Iraq không tạo ra khủng hoảng dầu mỏ

Tình hình quân sự và chính trị nhanh chóng xấu đi tại Iraq đang làm nổi bật sự yếu kém và bất lực của chính phủ trung ương tại Baghdad.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN