Tình hình quân sự và chính trị nhanh chóng xấu đi tại Iraq đang làm nổi bật sự yếu kém và bất lực của chính phủ trung ương tại Baghdad. Tuy nhiên, tình hình đó sẽ không "biến thành" một cuộc khủng hoảng dầu mỏ quốc tế lớn, bất chấp giá dầu gần đây tăng mạnh trong bối cảnh có nhiều quan ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung.
Căng thẳng tại Iraq sẽ không biến thành một cuộc khủng hoảng dầu mỏ thế giới. |
Hậu quả của tình hình căng thẳng tại Iraq thậm chí còn có tác dụng phụ khác là góp phần cải thiện quan hệ Mỹ - Iran, khi quốc gia Cộng hòa Hồi giáo này bày tỏ mong muốn cùng Washington tham gia ngăn chặn một cuộc chiến tranh phe phái lan rộng. Đây cũng là cơ sở có thể dẫn đến việc nới lỏng hơn nữa đối với những hạn chế đối với việc xuất khẩu dầu mỏ của Iran.
Giá dầu thô thế giới hiện đã tăng đến mức cao nhất trong vòng 9 tháng qua do tình hình hỗn loạn tại Iraq. Nhưng giá dầu thô chuẩn Brent chỉ cao hơn mức trung bình (gần 111 USD/thùng - giai đoạn đỉnh điểm các sự kiện của Mùa Xuân Arập năm 2011) và giá dầu thế giới dường như không có nhiều khả năng tăng thêm. Thực tế là giá dầu đã giảm sau khi Baghdad triển khai thêm lực lượng để bảo vệ các mỏ và cơ sở hạ tầng dầu mỏ.
Trước thời điểm những kẻ nổi dậy dòng Sunni thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và vùng Levant (ISIL) bắt đầu vượt khỏi căn cứ tại khu vực tây bắc, Iraq sản xuất khoảng 3,3 triệu thùng dầu/ngày (xấp xỉ 5% sản lượng toàn cầu). Sản lượng trung bình thường thấp hơn do những vấn đề cơ sở hạ tầng, các cuộc tấn công vào hệ thống đường ống dẫn, cũng như việc không có đủ kho chứa và cảng xuất khẩu dầu.
Theo các số liệu thống kê của Bộ Dầu mỏ Iraq, trong tháng 6/2014, lượng dầu xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ (bằng xe tải) qua cảng xuất khẩu dầu mỏ chính Basra ở miền nam Iraq dự kiến đạt mức trung bình 2,6 triệu thùng/ngày và tại miền bắc là khoảng 120.000 thùng dầu/ngày. Số lượng dầu xuất khẩu thấp hơn nhiều so với sản lượng bình thường là bởi tuyến đường ống có khả năng vận chuyển 600.000 thùng dầu/ngày (sang Thổ Nhĩ Kỳ) đã bị hư hại do chiến sự từ năm 2013 và việc sửa chữa đã bị đình đốn do tình hình chiến sự hiện nay.
Các nhà phân tích nhận định, bất kỳ lượng dầu thiếu hụt nào (từ việc cắt giảm sản lượng lớn của Iraq) cũng có thể được thay thế bằng dầu mỏ của Saudi Arabia và các nước sản xuất dầu mỏ khác, kể cả Iran - quốc gia hiện đang bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt xuất khẩu dầu mỏ ở mức khoảng 1 triệu thùng/ngày. Trước khi có các lệnh cấm vận quốc tế, Iran đã xuất khẩu 2,5 triệu thùng dầu/ngày.
Mỹ cũng có thể dễ dàng "tự bù" khoản dầu nhập khẩu thiếu hụt bằng cách sử dụng kho dự trữ xăng dầu chiến lược lớn của họ. Các nhà phân tích tính toán rằng Washington có thể bổ sung 500.000 thùng dầu/ngày cho nguồn dự trữ toàn cầu trong vài năm mà không ảnh hưởng đến lượng dầu dự trữ của chính họ.
Vào lúc đỉnh điểm hỗn loạn của Mùa Xuân Arập năm 2011, một số "nhà tiên tri" đã tự tin dự đoán rằng giá dầu sẽ vượt mức 120 USD/thùng trong năm 2012 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, ngoài Libya và Syria thì sản lượng dầu ở Trung Đông vẫn ổn định, trong khi sản lượng dầu của Mỹ tăng vọt nhờ cuộc cách mạng dầu đá phiến. Kết quả là giá dầu ổn định trong một thời gian dài, dù ở mức tương đối cao. Cuộc xung đột bạo lực tại Iraq hiện nay có thể phủ mây đen lên một bức tranh sáng sủa, nhưng khả năng xảy ra khủng hoảng dầu mỏ toàn cầu dường như còn khá xa vời.
Theo các nhà phân tích, bất kỳ lượng dầu thiếu hụt nào (từ việc cắt giảm sản lượng lớn của Iraq) cũng có thể được thay thế bằng dầu mỏ của Saudi Arabia và các nước sản xuất dầu mỏ khác. |
Dương Hoa (Theo báo "Thư tín địa cầu")