Báo Financial Times (FT) dẫn lời một số nhân vật thạo tin cho biết trong nỗ lực nhằm đảm bảo nguồn cung toàn cầu, chính quyền Mỹ đã kêu gọi các nhà giao dịch lớn nhất thế giới giảm bớt mối lo ngại về các thỏa thuận liên quan đến giá trần dầu mỏ của Nga.
Cuối năm 2022, các quốc gia thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Liên minh châu Âu (EU) đã cấm nhập khẩu dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga, nhưng các quốc gia khác không tham gia lệnh trừng phạt trên vẫn được phép mua bán dầu của Nga ở mức giới hạn 60 USD/thùng.
Mặc dù Nhà Trắng không cấm các công ty mua bán dầu thô của Nga nếu tuân thủ giá trần, các nhà thương lái lớn vẫn hạn chế giao dịch dầu mỏ với quốc gia đang bị trừng phạt này.
Nhưng khi những lo ngại về khả năng thiếu hụt nguồn cung dầu của Nga đang gia tăng, Washington - vốn đã thúc đẩy các lệnh cấm kể trên - đang tìm cách đảm bảo các dòng chảy.
Theo FT, giới chức Bộ Tài chính Mỹ đã nhóm họp riêng với các giám đốc điều hành và doanh nhân của một số công ty thương mại lớn nhất toàn cầu – trong đó có Trafigura và Gunvor – kêu gọi họ tiếp tục vận chuyển dầu của Nga.
“Chúng tôi đã nhận được khuyến khích tích cực từ chính phủ Mỹ để nối lại vận chuyển dầu”, một thương nhân từng dự họp với Bộ Tài chính Mỹ tiết lộ với FT. Washington đã trấn an các công ty này rằng họ có thể giao dịch với Nga mà không vi phạm các hình phạt của phương Tây.
FT lưu ý rằng trong khi các thương nhân từ các nước EU và G7 cần phải có đủ giấy tờ chứng minh mua dầu Nga theo mức phù hợp với giá trần, thì việc thực thi của Mỹ tương đối lỏng lẻo.
Năm ngoái, Trafigura, Vitol, Gunvor và các công ty lớn khác đã ngừng kinh doanh với Nga vì lo ngại ảnh hưởng đến danh tiếng cũng như sợ bị ngân hàng cắt mất hỗ trợ. Trifugura đã bán 24,5% cổ phần của mình trong công ty lọc dầu Nayara mà tập đoàn Rosneft của Nga sở hữu 49,13% trong đó.